Nghề mình mà 103 – Margin and short-sale

(Chuyện UBCKNN lấyý kiến về GD margin (0 có short-sale nha) đã có cả tháng nay, nhưng tui không dám bàn tới trên blog này, do thấy nghĩa vụ của mình là phải góp ý với sếp trước. Nay thì chuyện cũng đã vãn, có thể nói riêng 1 chút được rồi) CafeF đã đăng bài viết về ý kiến của 4 cty CK góp ý đối với các quy định của SSC về GD margin. Ý kiến của họ rất thực tế, nên tui không nói leo, chỉ muốn tham gia từ góc độ quản lý rủi ro.

Rủi ro quan trọng nhất cần phải nói đến là thanh khoản, tức là khả năng bán cp. Bởi vì 99,99% các GD margin là dành cho lướt sóng, nên cty CK sẽ soi tính thanh khoản kỹ nhất khi lập ra danh mục cp cho phép margin. Cho nên nếu UBCKNN hay ai đó cứ ra nhiều quy định về chất lượng của cty NY khi để xem có cho cp vào danh mục hay không thì nhầm to. Đối với cty tui, giả sử KDC, REE có lỗ (như BCTC 2008) hay VCG có báo cáo nhập nhèm thì vẫn cho margin, do khối lượng GD hàng ngày rất lớn. Ở cty tui, tui chọn ra khoảng 200 mã có tính thanh khoản được gọi là cao (xét theo khối lượng GD bình quân phiên, tính trong phạm vi 1 tháng gần nhất). Các chỉ số tài chính chỉ được coi là chỉ số phụ, tức là vẫn được xem xét đến, nhưng chỉ tìm kiếm các ngoại lệ hay loại trừ các cp đã tăng qua nóng, ví dụ P/E >25 lần. Nên để cty CK tự quyết khi lập danh mục cho chính mình.

Khi ra quy định về tính thanh khoản, tui thấy UBCKNN bám vào chỉ số turnover ratio, tức là lấy khối lượng GD trong kỳ chia ch bình quân khối lượng đang lưu hành trong kỳ đó. Chỉ số này ở Vn chưa được chú ý nhiều, nhưng đúng là con số đáng tham khảo khi nói đến thanh khoản. UBCK đưa ra mức tối thiểu 50%, con số này bị 4 cty CK phản đối. Nếu thăm dò ý kiến cả 100 cty CK, tui cũng chắc 100 cty sẽ phản đối, bởi vì vấn đề không nằm ở con số, mà nằm ở chỗ ai cần dùng con số nào?

Ý tui là, xét từ góc độ 1 cty CK, tui thấy con số KL gd bình quân đơn giản hơn và “thực dụng” hơn. Tuy nhiên, xét từ góc độ bình ổn thị trường, con số của UBCK là nên dùng. Vì sao vậy? Bởi vì nếu nhiều cty CK cùng cho margin cho cùng 1 mã, thì rủi ro thanh khoản sẽ tăng lên mà các cty CK sẽ không biết được nếu không có ai tổng hợp giùm và báo cho biết. Ví dụ, tui cho KH mua margin tối đa 100.000 cp ACB, và cảm thấy như thế là an toàn bởi vì Kl GD bình quân của ACB đến hơn 350.000/phiên. Tuy nhiên, nếu có thêm 10 ông KH nào đó ở 10 cty CK khác cũng đã cho margin mỗi ông 100.000 ACB thì tình thế đã khác, rủi ro thanh khoản đã tăng lên nhiều hơn (1,1tr so với 350.000, mất 3 ngày để bán được cp trong điều kiện thường, còn nếu TTCK giảm mạnh thì chắc mất … cả tháng mới bán được). Nói vậy để cho thấy rằng, UBCKNN cần giám sát, theo dõi khối lượng margin tổng, nên thay vì đưa ra con số turnover ratio tối thiểu thì nên đưa ra hạn mức tối đa, nếu vượt thì stop ngay, và nhất là nên công bố ít ra là hàng tuần để các cty CK có thể điều chỉnh, vừa giảm rủi ro cho chính mình và cho cả thị trường.

Rủi ro thứ hai là chất lượng của cty NY. Cho dù tui đã nói rằng tui vẫn chọn các cty thua lỗ để lấy cp đó đưa vào danh mục margin vì khối lượng GD hàng ngày lớn, nhưng điều đó không phải là tuyệt đối. Chất lượng của cty NY ở đây là hàm ý về giá trị thật và tính ổn định trong hoạt động kinh doanh chính của cty đó. Nói nôm na, tui vẫn tin tưởng vào các cty NY làm ăn hiệu quả và ổn định, hơn là các cty làm ăn phập phù và giá cp không phản ánh đúng giá trị cty đó. Ví dụ như khi chọn KDC hay REE, tui cho rằng trường hợp lỗ của họ nằm ở góc độ đầu tư tài chính, chứ không phải từ hoạt động kinh doanh chính, do đó vẫn đưa vào danh mục. Còn đối với những mã lỗ kinh doanh chính như MHC thì cho dù gd nhiều, những có khi lại bị coi là do làm giá, tạo thanh khoản ảo… nên có khi lại bị loại ra ngoài.

Nói đến đây, chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ là cần có hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng cty NY. Đúng là cần, nhưng do quan điểm ở mỗi cty CK khác nhau, thậm chí chả nước nào có chuẩn để cho biết cty nào là chất, cty nào 0 có chất… nên khi tui đọc trong số quy định trọng dự thảo, có cái con số ROE 3% thì… ngơ ngác nhất. Chả biết tại sao có 3% mà không phải 1% hay 10%…  Tui nghĩ xét về mặt giám sát thị trường, UBCKNN lúc này không cần đưa ra tiêu chí. Tuy nhiên, sau này nên thuê 1 tổ chức uy tín để làm định mức tín nhiệm cho các cty NY, và UBCKNN lấy kết quả này làm tiêu chuẩn cho các GD margin.

Rủi ro thứ ba là từ …. chính cty CK. Trong dự thảo của UBCKNN, có điều 4 nói về tiêu chuẩn đối với cty CK khi họ muốn cung cấp dịch vụ GD margin cho KH, tuy nhiên tui cũng nghĩ là điều này không đi vào đúng bản chất của vấn đề. Ví dụ: điều 4 nói không đối với cty có vốn CSH nhỏ hơn vốn điều lệ, mà theo tui hiểu là muốn chặn các cty đang thua lỗ, vì có thua lỗ thì vốn CSH mới < vốn điều lệ. Tuy nhiên, thua lỗ hiểu vậy quá đớn giản. Sẽ có trường hợp là cty đang thua lỗ, nhưng hiệu số này vẫn dương, do cty trước đây phát hành có nhiều thặng dư, đảm bảo bù đắp cho các khoản lỗ kinh doanh. Rồi chuyện nữa là ai cũng hiểu năm 2008 là năm tệ hại đến thế nào đối với rất nhiều cty CK, và cho dù năm 2009 họ đã làm ăn có lời, 6 tháng năm nay họ làm ăn có lời, nhưng chưa đủ bù lắp cho khoản lỗ của 2008 (nên khoản mục lỗ lũy kế vẫn âm, khiến hiệu số trên âm). Nói 2 ví dụ để cho thấy là quy định trong dự thảo vẫn quá sơ hở khi vẫn để xảy ra khả năng cty bây giờ làm ăn có lời những vẫn bị cấm, còn cty làm ăn lỗ những vẫn được cho phép làm margin.

Khi cty CK cho KH làm margin, câu hỏi đặt ra ngay là cty CK lấy tiền ở đâu? Luật CK cho phép cty CK đi vay, nhưng số nợ trên bảng CĐKT không vượt quá 6 lần vốn CSH. Trong mục khoản nợ này có số dư tiền gửi của KH, nên số tiền có thể cho KH margin tối đa chắc cỡ 5 lần (nếu cty không muốn tự doanh). Tui không hiểu cái quy định ở điều 16, khoản 4: “Tổng dư nợ cho vay giao dịch mua ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 100% vốn chủ sở hữu của công ty“, nó khôi hài thế nào ấy. Nếu không được vượt 100%, thì chắc UBCK “muốn” cty CK tự doanh nốt 400% số tiền vay còn lại, chứ tiền để không để phí à.

Điều cần đưa ra trong dự thảo mà liên quan đến cty CK là tập trung vào khả năng huy động nguồn vốn để cung cấp dịch vụ margin cho khách hàng mà vẫn đảm bảo mức an toàn chung cho toàn bộ hoạt động của cty. CẦN NGHIÊM CẤM VÀ NGĂN CHẶN ĐƯỢC RỦI RO LẤY TIỀN CỦA KHÁCH HÀNG NÀY CHO VAY KHÁCH HÀNG KIA. Muốn làm được vậy, phải có cách phân định rõ nguồn tiền và giám sát được dòng tiền cty sử dụng khi cho KH vay margin. Ngoài ra, nên quy định tổng số tiền đã dùng vào dịch vụ margin trên tổng số nợ của cty CK, hơn là so với nguồn vốn, điều này đảm bảo cty CK vẫn còn dư tiền để làm những công việc khác (trả lương nhân viên chẳng hạn, chứ tui từng biết có cty thiếu lương nhân viên do đã …. xài hết tiền mà cty huy động được từ ngân hàng, từ vốn tự có và từ tiền … của KH).

Rủi ro thứ tư là … VNindex, tức là sự biến động giá cp trên thị trường. Sự biến động này sẽ quyết định tỷ lệ cho vay, thời hạn cho vay và tỷ lệ xử lý (cắt lỗ). Hiện nay do cạnh tranh, do nguồn lực khác nhau và do cả khả năng quản trị rủi ro khác nhau mà các cty CK cho margin với tỷ lệ khác nhau, từ 1:1 (có nơi gọi là 5:5, tức 50%:50%), đến 4:6, 3:7, 2:8… Ký quỹ càng thấp, rủi ro càng cao (thực ra KH cũng biết mà, nhưng đã đánh bạc thì phải liều), thì thời hạn càng ngắn. Theo dự thảo mà Ủy ban đưa ra, có 1 quy định là tỷ lệ này không được thấp hơn 50% (điều 21), tức là chỉ đánh 1:1, không cho đánh 4:6 hay 3:7. Rồi điều 25 cũng có quy định là tài sản ròng có rớt xuống dươi 50% thì KH ngay lập tức phải bổ sung tài sản để nâng lên hơn 50%. Điều này tui thấy là cứng nhắc, không linh hoạt uyển chuyển theo tình hình thị trường và “gây khó” cho cty CK khi đáp ứng nhu cầu KH. Bởi vì như đã nói, KH dùng margin thì họ cũng hiểu là họ liều hơn người thường, nhưng họ chấp nhận điều đó, vì có liều mới lời lớn. Đối với cty CK, khi cho margin 1:1 thì cty CK có nhiều thời gian để xử lý cắt lỗ khi thị trường suy giảm, do đó không nhất thiết cứ phải bắt khách bổ sung tài sản để đảm bảo mức 50%. Những ai đã đánh vàng ở mức 5% thì còn thấy điều này rõ hơn nữa. Với mức 50%, mức cảnh báo hay xử lý có thể đặt ở 25% – 30% trong điều kiện hiện nay mà vẫn khá an toàn. Như thế bản thân khách hàng thấy giá cp cớ rớt 1 tí cũng chả sao, họ chưa chắc đã có nhu cầu phải bán đi cắt lỗ cty mà CK cũng chưa chắc muốn KH lúc nào cũng phải bổ sung tài sản. Chỉ khi nào tài sản ròng rơi về mức cảnh báo, cty CK mới  có “động lực” làm việc với KH. Nói dài dòng như vậy chỉ để nói rằng quy định như vầy là không linh hoạt.

Tui ủng hộ quy định về mức ký quỹ tối thiểu của Ủy ban, vì nó sẽ ngăn chặn tình trạng cho vay bằng mọi giá để câu khách, dẫn đến rủi ro cho cả hệ thống thanh toán, tuy nhiên, mức tối thiểu mà tận 50% như vậy là cao.

Ngoài 4 cái rủi ro nói trên, còn những chuyện nhỏ khác nhưng cũng nên sửa đổi, ví dụ như:

– “Thời  hạn các khoản cho vay giao dịch mua ký quỹ do công ty chứng khoán và khách hàng thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không dưới ba (03) ngày và không quá sáu (06) tháng tính từ ngày hợp đồng giao dịch mua ký quỹ có hiệu lực” (điều 18): đưa ra thời hạn 6 tháng nghe hơi thừa, vì hầu hết HĐ margin là lướt sóng, hiếm khi có ai muốn cầm quá 6 tháng, trừ phi bị kẹt. Mà có kẹt, cty sẽ có cách xử lý rồi, đảo TK hay cắt lỗ luôn, chẳng chờ đến 6 tháng. Cái này là quan điểm của riêng tui, nên tui không bảo là cần phải bỏ. Chỉ có cái quy định 3 ngày thì nên bỏ, vì trước sau gì UBCKNN cũng cho cùng mua cùng bán, chả nhẽ khi đó không cho mua margin rồi bán số CK đã có sẵn để thanh lý luôn HĐ margin trong ngày à?

– “Chứng khoán được mua theo quyền gắn với chứng khoán thế chấp trong đợt phát hành thêm sẽ tự động được phong tỏa làm tài sản thế chấp sau khi phân bổ về tài khoản khách hàng” (điều 22): cty tui đối với trường hợp giá cp bị điều chỉnh do phát hành quyền là sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể. “Ưu tiên” ban đầu là không chấp nhận thế chấp quyền, do chả biết khi nào cp mới kịp về đến TK để ứng phó được với những đợt giảm giá mạnh trên thị trường (nhất là sàn HNX). Cho nên nếu quy định như vầy, sẽ gây khó cho cty CK khi thực hiện quản trị rủi ro cho chính mình.

-“Đang được niêm yết trên Sở giao dịch và có thời gian niêm yết từ 6 tháng trở lên. Đối với cổ phiếu được chuyển sàn niêm yết, thời gian niêm yết sẽ là tổng thời gian niêm yết ở cả hai sở giao dịch” (điều 9): quy định như vầy sẽ lại đẻ ra tình trạng lách luật, vì như đã nói về thanh khoản, cty CK chỉ cần 1-2 tháng, thậm chí còn ngắn hơn nếu cp mới NY đó đã từng gd xôm tụ trên OTC, để đánh giá tính thanh khoản và quyết định có cho làm margin hay không.

Giờ mới đến phần chính 🙂

Tui thấy trong bài viết của cafeF có việc đến lý luận của 4 cty CK mà tui cho là rất thú vị, đó là khi “Sở yêu cầu bắt đầu từ ngày… cổ phiếu A không được cho vay ký quỹ nữa, ngay lập tức sẽ là động thái xả bán cổ phiếu và chắc chắn cổ phiếu này sẽ giảm giá liên tục, NĐT có thể buộc phải bán thêm cổ phiếu khác khiến cho thị trường thêm áp lực giảm điểm”. Tui cho rằng chả cần đến ngày Sở thông báo ngừng margin cp A do lượng margin đã quá lớn (nếu các cty CK phải báo cáo hàng ngày, tự nhiên Sở lại có “thông tin độc quyền” rất nhạy cảm), thị trường cũng sẽ có kẻ biết và sẽ có “nhu cầu” bán cp, thậm chí bán khống. Nói cách khác, trước khi có 1 lượng cung nào đó được xả ra, sẽ có nhu cầu xả hàng trước đó của ai đó, thậm chí bán khống, để kiếm lời từ thị trường giá xuống. Việc làm của Sở chỉ góp phần… đẩy nhanh tốc độ rớt giá cổ phiếu, rồi sẽ gián tiếp góp phần “ngăn chặn” nhà ĐT và cty CK cắt lỗ, bán hoài không được và giá cp lại sẽ rớt tiếp, rớt tiếp… Cái vòng luẩn quẩn cứ sẽ xoay vòng nếu không bị chặn lại bởi cơ chế circuit breaker, thu hẹp biên độ (cái này rất Việt Nam) hoặc cơ chế bán khống hợp pháp.

Cho margin không chỉ đáp ứng nhu cầu có thật đa và đang được cung ứng trên thị trường, mà còn là tiền đề để sau này đổi mới tư duy mà cho phép nhà ĐT bán khống. Bởi vì, tiếp tục giả định ở trên, khi có kẻ bán khống kiếm lời thì hành vi bán khống này cũng là gd ngắn hạn và đến thời điểm nào đó sẽ là cái phanh chặn sự suy giảm giá tạo ra do “hậu quả” của gd margin . Nói rộng hơn, khi có người có nhu cầu sử dụng margin, cũng sẽ có người có nhu cầu sử dụng chiêu bán khống, và 2 lực lượng này sẽ kềm chế lẫn nhau và tạo ra sự cân bằng ổn định cho giá cổ phiếu nói riêng và gd của cả thị trường nói chung. Tui không dám nói nhiều về bán khống lúc này, nhưng bên cạnh những mặt tiêu cực của nó, bán khống vẫn có mặt tích cực là góp phần tạo cầu.

Bình luận về bài viết này