(chém) Xin các bác ngồi yên cho

Có 1 cậu bạn vừa gửi tui đường link về vụ PGD trên Vietstock và hỏi tui xem có quy cho mấy vị quan chức của cty NY đó tội lợi dụng thông tin nội gián, do kịp bán cổ ngay trước khi cty công bố… lỗ. Chu choa ơi, làm gì mà ghét nhau dzữ dzậy? Nhưng mà bức xúc lắm Lân ơi! Không ngăn chặn thì thị trường sẽ càng loạn, cậu nhớ vụ cổ đông nội bộ đăng ký vừa mua vừa bán không, đến lúc công bố kết quả mới ngã ngửa ra là các vị chỉ bán mà k mua hoặc ngược lại, toàn lừa NĐT cả, mãi sau này UBCK mới chặn đó thôi.

Nghĩ lại cũng có lý. Chứng trường mình trước giờ chưa thấy bắt vụ nào lớn về tội GD nội gián cả, hay là tất cả lãnh đạo các cty NY đều trong sạch vững mạnh? Mà quý nào năm nào cũng vậy, nhất là 2 năm gần đây, hơi tí là thấy cổ đông nội bộ xin bán chứng để có tiền nuôi vợ con, rồi lại xin mua vì vợ con không xài… nghe thì rất bùi tai, nhưng giờ giấc viết đơn toàn nhằm những lúc nhạy cảm, ví dụ như các kỳ ĐHCĐ, chốt quyền chia thưởng hay công bố BCTC.

Tui từng nhớ mấy bác quản lý nói rằng ở bên Mỹ, tội GD nội gián là to lắm. Tụi FBI nó có quyền nghe lén khi điều tra cái tội này, ai mà hó hé lộ tin tức trước khi công bố chính thức là có cơ ìn-gieo (in jail) ngay.

Thôi thì cẩn tắc vô áy náy, trong các ngày quy định công bố BCTC (25 ngày sau khi kết thúc quý đối với cty riêng lẻ, 45 ngày cho cty mẹ và cty hợp nhất) nếu cty chưa công bố BCTC thì xin các bác cổ đông nội bộ, cổ đông lớn ngồi yên hết cả cho, đừng mua bán gì cả. Các bác có thiều tiền hay thừa tiền, cần mua bán chứng thì cứ chờ sau khi công bố hẵng GD (hoặc công bố sớm cho), trừ phi các bác buộc phải mua bán theo lệnh của ai đó (ví dụ chủ tiệm cầm đồ 🙂 ). Mà chắc cái này nên đưa thành quy định luôn!

(chém) Cấm NĐT bán phá giá chứng!

Theo VNeconomy, có bác quan bên ngành BĐS đề nghị cấm bán phá giá căn hộ, bởi đó là hành vi “phá bĩnh thị trường, trong đó không loại trừ chủ ý triệt hạ đối thủ“, là bởi “nếu nhà được bán với giá đó chỉ có thể là doanh nghiệp ăn bớt nguyên, vật liệu“, và quan trọng là “điều này sẽ khiến cho tâm lý người dân thay vì bỏ tiền mua nhà thì họ sẽ chờ đợi thêm, vì ai cũng cho rằng một dự án giảm, sẽ có dự án thứ hai, thứ ba và giá cũng sẽ giảm hơn nữa”. Ôi, sao bên chứng không có bác quan nào lên tiếng được như thế nhỉ? 😦

Chắc tui lại phải tiên phong vậy. Đề nghị:

– Cấm NĐT lướt sóng bán chứng dưới giá thành, tức là giá mua vào + phí + thuế + lãi suất + hoa hồng MG + phí nộp quỹ TTBT ++… Cấm NĐT dài hạn bán chứng dưới mệnh giá, ah quên, dưới thư giá (vì nhiều bác vẫn nói thư giá là giá trị thực của chứng).

– Bác nào bán phá giá chứng là hành vi triệt hạ… NĐT khác.

– Bác dám bán giá đó thì chắc do ăn bớt tiền cha mẹ hay vợ (tiền vợ thì càng k thể chấp nhận được), lấy tiền đi chơi chứng mà k xin phép, hoặc có xin phép mà k có lòng tự trọng, bán thấp mà k sợ cha mẹ, vợ buồn rồi đau ốm… sao?

– Các bác bán phá giá sẽ khiến tâm lý NĐT chờ đến… Tết mới mua, vì họ sẽ cho rằng sẽ có nhiều bác nữa tham gia gameshow “The Baydan”.

Nghề mình mà 328 – Cty CK đang khó thở với quy định margin?

Hôm qua báo ĐTCK có gửi mail hỏi tui về 1 số đề xuất cải tiến margin, được cho là có xuất xứ từ đồng nghiệp VNDS rồi lan thêm sang 1 số đồng nghiệp khác. Tui đã trả lời, nhưng thấy đăng ít quá 🙂 nên đưa luôn bản full vào đây.

Sau vụ VNDS bị phạt vì vi phạm quy định về GD ký quỹ (margin) thì tui thấy đang có 1 số ý kiến đề nghị cải tiến loại hình này, trong đó tập trung vào 2 thứ là: nên để chứng trường tự quyết định danh mục margin và nên cho tăng tỷ lệ margin, tức là giảm mức ký quỹ ban đầu từ 60% xuống 50% hoặc thấp hơn nữa. Theo góc nhìn của các cty CK, cải tiến là cần thiết vì “sát với nhu cầu NĐT”, nhưng tui nhìn hơi khác 1 chút.

1. Danh mục CK margin: (việc xác định danh mục này sẽ quyết định đến tỷ lệ margin)

Về lý thuyết, cả 800 mã trên 3 sàn chứng đều có thể cho làm margin, nếu giữa cty CK và NĐT đạt được thoả thuận về lãi suất và cách xử lý nếu NĐT k trả được nợ. Tuy nhiên thực tế khó xơi hơn… lý thuyết, bởi cty CK chưa có cách nào xử lý TRIỆT ĐỂ rủi ro kẹt tiền, mất tiền khi cho vay trên những cổ kém thanh khoản, cho dù KH có thể chấp nhận lãi suất 50% (chưa kể tình trạng cty CK này đẩy hàng kẹt sang… cty CK khác như hồi 2010-2011, đồng nghiệp tốt với nhau vậy đó các bác). Cho nên phải có danh mục margin, đây là nhu cầu của chính cty CK chứ khải là do các bác quản lý duy ý chí áp đặt lên.

Nếu bạn theo dõi từ khi UBCK lấy ý kiến của các cty CK về danh mục margin cho đến khi QĐ 637-2011 chính thức ra đời, bạn sẽ thấy các bác quản lý đã rất thoáng mát. Danh mục margin bây giờ = tất cả các loại cổ đang NY – những cổ thuộc 1 trong 3 diện: NY dưới 6 tháng, đang bị nhắc nhở (cảnh báo, tạm ngưng GD…) và cty NY đang bị lỗ chiếu theo BCTC bán niên soát xét hay cả năm đã kiểm toán. Nếu chiếu theo danh sách cấm margin của HOSE (67 mã) và HNX (131 mã) thì tui đếm số cổ được phép margin vẫn còn đến (310-67) HOSE + (394-131) HNX = 506 mã. Tỷ lệ margin = 506/(310+394) = 71,8%. Tuy nhiên theo tui biết thì nhiều cty CK lớn cho margin chưa đến nửa số này, ví dụ HSC 150 mã, SSI 96 mã, VND 157 mã…, vậy tại sao vẫn có ý kiến muốn cải tiến?

Tui nghĩ, điểm mấu chốt ở đây chính là trong danh mục margin có rất nhiều mã kém thanh khoản, còn trong danh mục cấm thì lại có nhiều mã mà theo cty CK, NĐT rất muốn được full lồi mồm, ví dụ như GAS, ITA, KBC, KDC, SJS… (VND bị phạt do cố chơi mã nào trong danh mục cấm vậy?). Đã margin là hầu hết lướt, bạn nào mà dùng tiền vay đi đầu tư dài hạn là có ngày ăn mày. Nhưng đã lướt thì quan trọng gì cái cty đó lời lỗ? Lời thì tốt, nhưng giá rổ và thanh khoản mới là những yếu tố quyết định. Bảo sao KBC đang lỗ mà lượng GD vẫn lên tới hàng trăm ngàn cp mỗi ngày. Đối với cty CK, cho margin trên KBC thì an toàn chán, có chuyện gì thì bán được ngay, thu nợ sớm.

Tui cũng nghĩ nên cải tiến 1 chút, cụ thể là nên bỏ điều kiện cty phải NY trên 6 tháng và xem xét lại quy định lời lỗ. Công ty chỉ cần lên sàn khoảng 1-2 tháng là đủ để đánh giá mức độ thanh khoản rồi, 6 tháng lâu quá. Cty NY lỗ vẫn có thể cho margin. Tuy nhiên, tui ủng hộ quan điểm cty nào vi phạm nghĩa vụ trên sàn như k CBTT, chậm nộp BCTC, BCTC bậy bạ, khuất tất, cty đang có vấn đề tranh chấp, cty CK thuộc diện kiểm soát đặc biệt… thì phải cấm margin, coi đó cũng là áp lực buộc lãnh đạo doanh nghiệp phải chơi đẹp với cổ đông hơn.

Có 1 việc đáng lưu ý là cấm cty CK cho margin chính cp mình, ví dụ SSI k được margin mã SSI, VND k được margin mã VND. Đây là quy định rất hay, đừng có bỏ, bởi nó giúp ngăn chặn cty CK xúi KH kéo giá chính cổ mình (tui k có ý nói là SSI hay VND xúi đâu nha, ví dụ thôi).

2. Tỷ lệ margin: tập trung vào tỷ lệ ban đầu là 6:4 (NĐT ký quỹ 60%). Theo tui biết, nhiều cty CK muốn giảm về 5:5, thậm chí có thể về 4:6 do chu kỳ TTBT đã giảm từ T+3 về T+2. Tuy nhiên, cái tỷ lệ này lại đáng bàn hơn cái danh mục ở trên vì nó có liên quan rất lớn đến rủi ro.

Nhìn chung, với margin 6:4, cty CK thường xử lý khi giá rớt khoảng 25%. Trong phạm vi T0 đến hết T+2, tui đã tính toán thử vài mã trên HNX (biên độ -7%/ngày) thì cp giảm giá tối đa 24,8% (đã làm tròn số theo quy tắc trần sàn và đơn vị yết giá). Đó là khi tính cho các mã “thông thường”, chứ gặp những mã có giá quá thấp, chỉ cần rớt thêm 100 đồng là tương đương -10% hoặc hơn thì thua. Như vậy cty CK không gặp mấy rủi ro trong thời gian chờ cp về tài khoản.

Tuy nhiên, qua T+3 mà cp vẫn rớt sàn thì cty CK chỉ có khoảng 3-4 phiên nữa để xử lý kịp, tức là bán hết thu nợ, nếu k thì KH banh TK và cty CK lỗ vốn. Bình thường thì có lẽ bán kịp, nhưng nếu gặp phải những giai đoạn như khi có tin bác Kiên bị tóm thì 3-4 phiên rõ nhiên 0 đủ. NĐT sẽ bị thiệt hại lớn và có khi cả cty CK cũng bị lây. Đây là rủi ro hệ thống, tức là k cty nào tránh được.

Cũng cần phải nói rằng tính thanh khoản tỷ lệ thuận với biến động giá. Thường khi chứng tăng giá thì thanh khoản cũng tăng lên, còn đang trong downtrend rồi thì thanh khoản cũng sụt giảm. Thanh khoản mà kém đi thì đó là điều mà các cty CK sợ nhất. Đó cũng là rủi ro hệ thống.

Chính vì những bài học “rút không kịp” thương đau thời margin chưa được thừa nhận, các cty CK hiện quy định rất có lợi cho chính họ nếu phải bán cp. Ví dụ như cty CK có toàn quyền chủ động bán sàn, bán ATO, ATC. Bán k được hôm nay thì mai bán sàn tiếp, hôm nay quên bán cũng k sao, mai bán. Bán hết mà chưa thu đủ nợ thì tìm cp khác mà bán tiếp. Bán tiếp rồi vẫn chưa thu đủ nợ thì có quyền đòi, đòi k trả thì kiện. Thậm chí có cty CK cậy có mẹ là ngân hàng nên ghi thêm 1 điều khoản là nếu vẫn k thu hết nợ thì sẽ siết tiền của khách tại ngân hàng mẹ (nếu có). Cho margin 6:4 hay 5:5, thậm chí có 4:6 giờ cũng không lo như trước nữa, vì cty CK đã có nhiều quyền hơn trước.

Chú ý rằng công ty CK không cam kết phải bán ngay lập tức khi cp vừa rơi vào mức xử lý, và phải bán liên tục để lấy tiền về nhanh nhất. Khách nhỏ lẻ thì có thể dứt điểm luôn, khách VIP thì còn xem mặt mũi 1 chút. Bác nào còn hồng hào thì cho thư thư giãn nợ, bác nào xám ngoét rồi thì có thể cho biến. Nhất là cp mà thuộc loại ngon thì có thể nghĩ cách đạp giá xuống để đẩy qua tự doanh, bởi bán hết mà chưa thu đủ nợ thì vẫn có quyền đòi tiếp mà.

Nói chung NĐT mã đã bị rơi vào mức xử lý thì nên khấn vái cty CK bán ngay được trong 1-2 phiên, chứ bán càng lâu càng có hại cho chính họ. Lúc đó mới biết thế nào là rủi ro do xài đòn bẩy. Có thể ai đó sẽ lý luận rằng tại NĐT tham, nhưng nếu như cty CK thật sự cố ý đạp sàn nhiều phiên rồi mới bán hàng của khách qua tự doanh thì sao? Có phải có lợi cho chính cty CK không? Đã k ít lần trên các forum, NĐT bàn tán là chính cty CK đạp sàn nhiều mã để sau siết hàng giá rẻ của khách.

Tui cho rằng việc quy định tỷ lệ margin ngoài mục đích ngăn chặn bớt nguyện vọng được tay không bắt giặc của 1 bộ phận không nhỏ NĐT, cũng còn có tác dụng ngăn ngừa chính lòng tham của cty CK, tức là biết rủi ro nhưng vẫn xúi khách vay để hưởng phí, lãi và hoa hồng. Ngoài ra, vẫn chưa có cách nào ngăn chặn triệt để cty CK lợi dụng tiền của KH để lại cho người khác đánh margin. Về lý thuyết, nếu cty đạt chỉ tiêu an toàn TC, cũng như lượng tiền cho vay <= 2 lần vốn CSH (điều 13, chương V QĐ 637) thì cho dù cty gặp phải 1 vài KH 0 trả được nợ, mất vốn thì vẫn… an toàn. Ai có dám chắc cái lượng tiền cho margin không có nguồn gốc từ tiền vay hoặc của NĐT? Đến hạn phải trả nợ NH, hay khi KH rút tiền thì lấy đâu trả?

Tui cũng đã từng đề xuất UBCKNN công bố định kỳ về số cp đã margin trên tổng số cp đang lưu hành (theo từng mã). Như thế các cty CK sẽ ước tính rủi ro cho mình cỡ nào để còn biết mà buộc KH tăng tỷ lệ ký quỹ, mà ngay cả NĐT cũng có thông tin tham khảo trước khi chọn mức vay. Giả sử nếu mã A chưa có ai làm margin, ngày nào nó cũng GD 100.000 cp thì tui có thể cho bạn margin 100.000 cổ 6:4. Nhưng nếu UBCK công bố đã có 10 cty CK đều cho margin 100.000 cp rồi, tổng cộng thành 1 triệu cp thì chắc tui k dám cho bạn margin 6:4 nữa đâu, phải giảm về 8:2, 9:1 hoặc ngưng luôn cho yên tâm.

Theo tui biết thì sàn NYSE nổi tiếng thanh khoản và kỷ luật nhất nhì chứng thế giới mà chỉ cho margin 5:5, sàn mình chắc k dám cho 4:6 rồi. Còn 5:5 thì tui cũng chưa ủng hộ, bởi những lý do trên. Trước mắt cứ nên giữ 6:4. Chừng nào mà UBCK công bố lượng cp đã margin để cty CK biết mà tính rủi ro cho mình, chừng nào có cách ngăn chặn hiệu quả lòng tham và khả năng lợi dụng tiền hay CK của cty CK, chừng nào cp có thanh khoản bền vững, tức là k phải nhờ đội lái bất chợt… thì mới nên đưa về 5:5 như sàn … NYSE.

(chém) Đừng bắt tớ chém gió về bán khống nữa!!!

Báo ĐTCK sáng nay trích dẫn quan điểm của 1 bác quan (0 ghi tên) UBCKNN:

“Thừa nhận ở góc độ thị trường có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo lãnh đạo UBCK, câu trả lời nhất quán của cơ quan quản lý chỉ có một: khi CTCK, nhân viên CTCK đứng ra làm trung gian cho các tổ chức, cá nhân vay, mượn chứng khoán của nhau để bán dưới mọi hình thức, kể cả trong trường hợp không dẫn tới việc thay đổi quyền sở hữu và giao dịch bán thực hiện trên tài khoản của bên cho vay, thì đều bị coi là hoạt động bán khống”.

và:

“Trong bối cảnh TTCK khó khăn như hiện tại, hoạt động bán khống càng tác động tiêu cực đến thị trường. Bởi vậy cơ quan quản lý không chấp nhận bất kỳ lý lẽ nào để biện minh cho hoạt động bán khống diễn ra dưới bất cứ hình thức nào”.

Như vậy đã rất rõ, tui sẽ không chém gió về chủ đề này nữa, vì e các bác ấy lại bảo nói rát thế! Có bạn nào muốn hỏi gì thì xin liên lạc trực tiếp 🙂

Ah, cho chém mấy câu cuối:

– Lần đầu tiên tui được biết rằng bán khống là “hoạt động rút ruột thị trường”, câu này của 1 bác quan cty CK. Ngạc nhiên chưa!

– Bác lãnh đạo UBCK có nói nếu NĐT phát hiện GD bất thường trên TK của mình thì cần báo sớm cho UBCK để được bảo vệ quyền lợi. Vậy liệu anh Nhân có lấy lại được tiền không nhỉ? Nếu lấy được thì sẽ có 1 “làn sóng” đòi lại tiền vì lỡ đầu cơ thua do bán khống?

(chém) Đừng quá kỳ vọng vào bộ quy tắc đạo đức hành nghề CK

Tui thấy dường như đang có nhiều bác muốn cho ra đời 1 bộ quy tắc đạo đức cho ngành chứng, với lý do là tụi MG dạo này “mất dạy” nhiều quá, k có đạo đức hành nghề nên mới xúi bán khống tùm lum, xúi KH full cổ bằng margin để giờ full nợ, rồi cả những chuyện ăn cắp tiền, cổ của khách… Nhưng cứ giả sử có bộ quy tắc đạo đức đi nữa thì liệu mấy cái chuyện làm bậy có hết, à thôi, nói nhẹ hơn chút là có giảm?

Tui luôn ủng hộ bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho dân chứng, xin khẳng định quan điểm ở đây. Tuy nhiên, tui k dám nói có bộ này rồi thì nồi canh hết sâu. Bạn cứ nhìn vòng quanh mà xem, liệu tất cả đám tội phạm đều không học môn giáo dục công dân hồi cấp 1-2? Phải chăng mấy tay bác sĩ chuyên ăn tiền bệnh nhân chỉ vì hồi nhập nghề k chịu đọc lời thề Hippocrates? Phải chăng mấy tay đứng đường quốc lộ chưa bao giờ đọc 6 điều bác Hồ dạy?

Đâu cũng vậy, muốn giảm, diệt mấy chuyện làm bậy thì chỉ có dựa vào luật mà thôi. Đừng quá kỳ vọng vào bộ quy tắc đạo đức.

Nên tui ngờ ai đó đang có ý muốn lobby chuyện bổ sung thêm 1 chứng chỉ đạo đức vào bộ chứng chỉ hành nghề CK, từ đó họ sẽ xin thầu mở lớp cho tất cả nhân viên MG. Nhiều tiền đấy, nhưng ai đó có dám đảm bảo đạo đức của những người đã có chứng chỉ đó k?

(chém) Chứng VN luôn rẻ nhất rổ ĐNA

Sáng nay đọc báo thấy 1 số bác bên quỹ chém rằng chứng Việt Nam hiện rất rẻ trong rổ Đông Nam Á mà tui lại buồn cười, không phải vì các bác ấy nói sai, mà tui nhớ cái hồi 2007, nhiều bác cũng chém y chang chang… như thế.

Hồi đỉnh của đỉnh 2007, P/E bq 2 sàn chứng VN đã lên tới 30-40 lần, nhưng các bác ấy lý luận rằng còn rẻ chán vì chỉ số PEG vẫn <1. Giờ P/E bq chỉ còn khoảng 10 lần (đó là do 1 số cổ có trọng số lớn chứ nếu tính bq cào bằng thì tui nghĩ P/E chỉ tầm 5) thì “hiển nhiên” quá rẻ. Sàn chứng In-đô và Phi đang có P/E tới 18 lận, đang gấp đôi VN kìa…

Nhưng thực tế đã chém rằng vốn FII đang đổ mạnh vào In-đô, vào Phi chứ nó chê VN. Bản thân các bác quỹ tuy khen sàn VN nhưng vẫn bảo cho em thủ, chưa vứt thêm tiền vào đâu. Vì sao vậy? Có lẽ vì tuy P/E của VN thấp nhưng PEG >1, còn các sàn chứng kia có PEG <1. Có lẽ các bác ấy biết nhưng lờ đi k nói.

Chứng Việt Nam luôn rẻ nhứt rổ Đông Nam Á! Nhưng có nhiều bác lại k khoái của rẻ. Nước ngoài có câu thành ngữ nào giống “của rẻ là của ôi” không nhỉ?

(cópy) 10 công ty có chế độ đãi ngộ hào phóng đáng ghen tị

Tui có nghe nói nhiều cty nổi tiếng thế giới từ lâu đã chuyển khẩu hiệu “Khách hàng là thượng đế” sang “lính tui là thượng đế”, ví dụ như Gooooooogle. Nay xin cópy từ báo Dân trí về Top10 theo xu hướng này. 

Ở VN có lẽ cũng có nhiều cty như vậy, thật đáng mơ ước quá đi. Trong ngành tui, cũng có nhiều cty coi MG là thượng đế, được lương cao hơn nhân viên khác, được cung cấp đòn bẩy tài chính tương đương khách VIP, được hưởng hoa hồng 40%-60% doanh số, được đi nhậu tăng 123 với khách đem hóa đơn về thanh toán… miễn là KH GD càng nhiều càng tốt. 

Nhưng nói vậy cho vui thôi, cũng có nơi MG làm cái gì mà để các bác quản lý tóm thì phải chịu trách nhiệm cá nhân, k được hó hé là cty có chỉ đạo … Áp lực lắm đó.

Miễn phí các khóa học lặn, tài trợ 100% chi phí học thêm, trang bị bể bơi, trung tâm thể dục thẩm mỹ tại nơi làm việc…đây đang là những chiêu “độc” để thu hút người tài mà các công ty danh tiếng tại Mỹ áp dụng khiến ai cũng dễ phải ghen tị.

Những công ty được liệt vào hàng nơi làm việc đáng mơ ước nhất thường có một điểm chung đó là: chế độ đãi ngộ khiến ai cũng phải xiêu lòng. Và quả thực với những ưu đãi mà các công ty sau đây đang dành cho nhân viên, sẽ khó ai lại không ao ước được đầu quân cho họ.

1. Boston Consulting Group

Theo website của BCG, công ty này “dành tới hơn 100 giờ và hàng nghìn USD để tuyển dụng mỗi chuyên gia tư vấn”. Và do vậy họ sẵn sàng dành cho họ chế độ đãi ngộ “khủng” với việc thanh toán 100% bảo hiểm y tế cho nhân viên.

“Thu hút những tài năng hàng đầu và duy trì môi trường làm việc trong đó mỗi người có thể phát triển nhanh chóng chính là điểm then chốt trong thành công của chúng tôi cũng như khả năng đem lại giá trị cao cho khách hàng”, Rich Lesser, chủ tịch khu vực Bắc và Nam Mỹ của BCG khẳng định.

2. Chesapeake Energy

Chesapeake Energy Corp là một trong những nhà sản xuất khí gas lớn nhất nước Mỹ. Và nếu là nhân viên của Chesapeake bạn sẽ được học lặn miễn phí. Ngoài ra một trung tâm thể dục thể thao rộng gần 6700 m2 trong đó có một bể bơi chuẩn Olympic, một sân bóng chuyền bãi biển, khu leo núi nhân tạo và một đường đi bộ dài hàng trăm met cũng là những dịch vụ bất kỳ nhân viên nào cũng có thể sử dụng. Bạn còn mong muốn gì nữa?

3. SAS Institute

Suốt 14 năm qua SAS luôn nằm trong danh sách 100 công ty đáng đầu quân nhất thế giới của tạp chí Fortune. Và công ty này khẳng định “nếu bạn đối xử với nhân viên như thể họ là người khác biệt thì họ sẽ thực sự tạo ra sự khác biệt”. Bởi vậy các nhân viên của SAS được rất nhiều chế độ đãi ngộ như: được hỗ trợ khi sử dụng dịch vụ chăm sóc con nhỏ, được nghỉ ốm không giới hạn. Ngoài ra công ty còn có một trung tâm trăm sóc sức khỏe miễn phí và rất nhiều đội thể thao nội bộ.

CEO Jim Goodnight của SAS khẳng định: “chúng tôi tạo ra một văn hóa khuyến khích sự đổi mới, khuyến khích nhân viên thử sức với những lĩnh vực mới nhưng không trừng phạt họ khi họ nắm lấy cơ hội và một văn hóa quan tâm tới sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như sự nghiệp của họ”.

4. Cisco Systems

Là “gã khổng lồ” của ngành phần mềm thế giới, Cisco Systems xây dựng hẳn một trung tâm chăm sóc sức khỏe có tên LifeConnections Health Center. Đây không chỉ là một trung tâm thế dục cho nhân viên mà còn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các liệu pháp về thể lực và châm cứu.

5. Google, Inc.

Suốt 6 năm qua Google luôn đứng trong Top 5 “Doanh nghiệp đáng để đầu quân nhất”. Để giữ được danh hiệu này Goolge đã không tiếc tiền chi cho các chế độ đãi ngộ, phúc lợi. Bất kỳ lúc nào các nhân viên của công ty này cũng có thể ra sân chơi bóng mềm, chơi bowling hay xuống căng-tin thưởng thức vô số loại đồ ăn.

CEO Larry Page khẳng định: “Khi bạn đối xử tốt với nhân viên bạn sẽ nhận được năng xuất cao hơn. Thay vì quan tâm họ làm việc bao nhiêu giờ hãy chú ý tới năng suất. Chúng ta nên tiếp tục đổi mới mối quan hệ với nhân viên và tìm ra những điều tốt nhất có thể làm cho họ…”.

6. Intuit

Công ty phần mềm có trụ sở tại California luôn muốn nhân viên biết tự chăm sóc cho bản thân và có nhiều sáng kiến để đảm bảo mục tiêu này. Tại hầu hết các văn phòng của Intuit đều có một phòng tập thể dục. Ở những nơi không thể trang bị, nhân viên của Intuit sẽ được trả 650 USD/năm khi đăng ký các CLB thể dục.

Những ai muốn học cao hơn, công ty cũng sẵn sàng chi tới 5000 USD/năm cho các khóa học giúp ích cho công việc. Bạn thấy vẫn còn ít? Tùy vào địa điểm làm việc các nhân viên của Intuit có thể được hưởng các dịch vụ giặt khô, các lớp yoga, mat-xa tại chỗ hay thay dầu xe hơi ngay tại nơi làm việc.

7. J.M. Smucker Company

Ngay khi trúng tuyển vào Smucker’s, nhân viên mới sẽ được nhận một giỏ quà gửi thẳng về nhà. Những nhân viên khác thì có thể tham gia các trận đấu bóng mềm hay bowling vào buổi tối. Với những ai muốn học thêm Smucker’s luôn khuyến khích và sẵn sàng chi trả 100% học phí dù có tốn kém tới đâu.

8. Starbucks Coffee

Các nhân viên mới tại Starbucks ngay lập tức sẽ được gọi là đối tác và website của công ty có tới hơn 50 CLB đối tác cùng các mạng lưới giúp nhân viên chia sẻ sở thích, tìm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Công ty thường tổ chức các giải đấu thể thao, các CLB ngoại ngữ và cả dịch vụ dành cho cha mẹ nhân viên. Và tất nhiên bạn sẽ được nhận nửa ký cà phê mỗi tuần để thoải mái nhâm nhi.

9. Loadspring Solutions

Các nhân viên làm việc tại LoadSpring có thâm niên từ 2 năm trở lên sẽ được nhận 5000 USD tiền thưởng cộng thêm một tuần đi nghỉ để du lịch nước ngoài. “Nó gửi đi một thông điệp tới các nhân viên mới rằng công ty thực sự quan tâm đến họ và muốn họ đi đây đó để nhìn nước Mỹ từ những góc nhìn khác”, nhà sáng lập kiêm CEO Eric Leighton khẳng định.

10. Zynga

Là nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến nổi tiếng trên các mạng xã hội, Zynga luôn đảm bảo rằng các nhân viên của mình được no đủ. Bởi vậy mọi nhân viên đều được cung cấp các bữa ăn trưa, ăn tối và đồ ăn vặt hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra tại khu giải trí của công ty bạn sẽ thấy rất nhiều các máy chơi game thời thượng như Nintendo, Xbox 360 hay PS3. Và nếu bạn muốn mang theo cún cưng đến nơi làm việc thì cũng không có gì đáng ngại bởi đã có người sẵn sàng chăm sóc thú cưng cho bạn.

Nghề mình mà 327 – Chí ít thì AGD cũng còn coi trọng cổ đông nhỏ

Trong vụ Thủy sản Gò Đàng (AGD, sàn HOSE) tuyên bố hủy NY tự nguyện , tui thấy có 1 điểm rất thú vị là AGD sẽ mua lại cổ giá 50 k từ các cổ đông nhỏ. Điều này chưa thấy xảy ra với những cty đang hủy NY khác. Giá 50k, nhỉnh hơn tí xíu so với giá khớp trên sàn và gần gấp đôi thư giá QII/2012. Tui nghĩ đây là điều cho thấy ít ra lãnh đạo AGD còn biết coi trọng cổ đông nhỏ, tiếc là ít thấy báo chí vỗ tay khen AGD.

Cty hủy NY rồi, nếu cổ đông muốn bán cổ thì bán ở đâu, bán cho ai và bán khi nào, 3 câu hỏi giống y như bạn đang học where, who, when vậy. Upcom chăng? Cty có ghé qua Upcom đâu mà bán. TTLK chăng? Chả nhẽ mở thêm sàn ở TTLK? Hay rút luôn khỏi TTLK, đem sổ cổ đông về doanh nghiệp tự GD với nhau như hồi còn OTC?

Đã lỡ làm cty đại chúng, phải luôn tính đến chuyện tìm chốn cho bà con GD, đó chính là trách nhiệm của các bác lãnh đạo cty hủy NY, chứ k hẳn là chuyện riêng của các bác quản lý. Lãnh đạo các bác đã bán các loại “giấy có giá” cho cổ đông thì cũng nên có trách nhiệm tìm chỗ cho cái giấy ấy nó “lưu hành”, ngộ nhỡ các bác làm cái gì đó gây phản cảm, ấm ức thì bà con còn có cách lấy tiền về. Cho đến nay, tui thấy nhiều cty hủy NY đang lơ luôn cái trách nhiệm này, vì thế tui rất coi trọng ý tưởng mua lại cổ của AGD chứ k hẳn vì giá bao nhiêu.

Tui thấy có ý kiến cho rằng nên tìm cách giữ lại, thậm chí buộc các cty đang làm ăn tốt ở lại NY, đừng cho về. Có muốn về thì phải lỗ 3 năm hay cố tình vi phạm nghĩa vụ CBTT… mới được về. Nhưng vấn đề là ở chỗ: chừng nào còn tiêu chuẩn hủy NY thì sẽ còn có cty hủy NY, cho dù là bị buộc hay cố ý “lợi dụng” để được hủy.

Tuy tui luôn ủng hộ chuyện lên sàn vì lợi nhiều hơn hại (lý thuyết), nhưng (thực tế) nhiều cty giờ lại thấy hại rành rành, lợi chả còn nên họ rút cho dù họ vẫn làm ăn có lãi, làm sao trách họ đây. Ngoài ra, cũng từng có chuyện lên sàn để cống hiến, nhưng giờ cty họ quyết k cống k hiến nữa, phải chấp nhận thôi.

Lại nói chuyện lợi hại của việc lên sàn 1 chút mới thấy đời nó hẻo. Cty bạn NY thì được cái gì, giá tăng? Dạ vâng, giờ giá đang nhỉnh hơn nửa ly nước trà, em làm ăn ngon lành mà các bác cứ bán như thủng đáy ly là sao vậy? Cty nổi tiếng hơn? Dạ vâng, SAM, HAP nổi tiếng từ năm 2000, đến giờ còn nổi tiếng hơn đó. Có thể huy động vốn? Dạ vâng, giờ hết lợi thế phát hành cưỡng ép đại chúng rồi, khi họp ĐHCĐ thì cứ vâng 100% nhưng đến ngày đóng tiền chả có ma nào nộp. Minh bạch? Dạ vâng, giờ thuế quan, thanh tra họ biết hết “chuyện” của em rồi. Vì quyền lợi cổ đông? Dạ vâng, giờ cổ đông muốn bán cũng khó vì mất thanh khoản rồi… Nhiều cái lợi hại từ chứng trường mà ra, chả phải do cty NY, bảo sao họ k muốn hủy?

Có người nói vụ AGD hủy NY là vì đó là yêu cầu của NĐT chiến lược. Cũng có thể, thực tế k hiếm chuyện quỹ ĐT k muốn cty lên sàn để họ tập trung lo chuyện quản trị sản xuất hơn là cứ phải liếc mắt lên sàn chứng, lo giải trình với NĐT của họ rằng tại sao cái cty a mua rớt giá hoài vậy. Hồi xưa các quỹ mua cổ giá hàng trăm ngàn thì tất nhiên rất là lo, nhưng giờ mua 10 ngàn thôi mà vẫn có thể lo, thế mới nhục. Trách ai đây? Trách cái sàn chăng? Thôi đừng lên cho đỡ giống con cá nục.

Chuyện hủy NY có lẽ là thưc tế k thể né. Chừng nào ktế còn khó khăn, chứng trường còn như chung cư nát ngoài HN thì sẽ còn cty hủy NY. Do đó vấn đề cấp bách bây giờ là tìm chỗ GD thời hậu hủy NY cũng như buộc cty vẫn phải thể hiện đúng nghĩa vụ của 1 cty đại chúng, nhất là CBTT để cho những cổ đông nào còn quyết tâm theo cty tới cùng được cập nhật thông tin. Bất quá các bác có thể rút sổ cổ đông về nhà tự xác nhận GD, hoặc chơi luôn kiểu AGD là mua lại cổ để hết phải làm cty đại chúng, nhưng xin đừng lui vào bóng tối.

Nói vậy thôi chớ tui can các bác đừng manh động, cứ chờ các bác quản lý, các bác ấy đã hứa có cơ chế rồi.

(chém) Tui sẽ mua ETF?

Một bạn vô danh đã bắn 1 YM hỏi tui câu: a nói thật lòng đi, a có mua ETF nếu nó NY lên sàn hose, hnx?

Thật tình, tui ủng hộ việc ra đời của ETF vì tui nghĩ nó có nhiều lợi ích. Tuy nhiên, vì đây là 1 khái niệm mới, nên tui mới chỉ hình dung được những lợi ích dành cho cty QLQ, cho cty CK là kẻ tạo lập quỹ và cho các bác quản lý. Đối với NĐT cá nhân, giả sử là tui, tui chưa thấy lợi ích gì cho chính mình ngoài cái giá ETF sẽ bám sát NAV của nó (nhưng sẽ vẫn lệch). Do đó có lẽ tui sẽ chưa mua ETF nếu có bác nào đưa nó lên sàn.

Đọc báo thấy dạo này ETF được tung hê ghê quá, cứ như là 1 sản phẩm đầu tư ưu việt cho chứng trường VN. Tuy nhiên tui nhớ có đọc đâu đó rằng điểm yếu nhất của cái thứ ưu việt chính là ở người điều khiển nó. Đối với các ETF, điều quan trọng nhất mà bạn cần nhớ là nó k đảm bảo lợi nhuận cho bạn. Vietstock họ có 1 bài viết rất hay về điểm này: “những rủi ro cần cân nhắc khi đầu tư vào ETF“. Lợi nhuận mà ETF mang lại, có lẽ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cty QLQ, mà các cty này thì… còn tùy.

Nghề mình mà 326 – MSN thuộc nhóm ngành nào?

Báo Nhịp cầu ĐT có 1 bài viết có tựa rất thú vị “Sàn Hà Nội cho cáp treo đu theo tàu biển“, trong đó thắc mắc tại sao HNX phân chú Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT) ở trên núi vô chung nhóm ngành với các cty dịch vụ vận tải tít dưới biển như VNT, VFR, VNF, SHC, PCT, SSG…? Đúng là nếu nhìn vào bảng phân ngành của HNX, bạn sẽ có thể liệt kê rất nhiều những cú bỏ chung 1 giỏ ngộ nghĩnh như trên. Mà k chỉ HNX, HOSE cũng thế: MSN được xếp chung nhóm ngành với các ngân hàng VCB, EIB… và cty CK như SSI, HSC… đấy thôi 🙂

Phân ngành cty NY là ý tưởng có từ năm 2001, k phải tui khoe, nhưng chính phòng Thông tin thị trường của HOSE ngay khi được lập ra từ phòng Giao dịch, đã từng liên hệ với Cục Thống kê HCM (tui nhớ tên hình như là chị Hà) để nhờ phân ngành giùm các cty NY. Tiếc là việc chả đến đâu, do các sếp bảo còn ít cty NY quá (hồi đó chỉ có vài ba chục), chuyện phân ngành chưa quan trọng. Sau này HOSE lập phòng Nghiên cứu phát triển, việc này được chị sếp cũng tên Hà triển khai chính thức và có sản phẩm như bạn đã thấy.

Phân ngành cũng là việc được nhiều cty CK triển khai từ 2007, nổi tiếng nhất có lẽ là Biển Việt, họ phân ngành rồi lập bộ chỉ số CBV-index. Hầu hết cty CK đều phân ngành theo chuẩn ICB sàn Mỹ, 1 số xài chuẩn ISIC của Liên Hợp quốc… Họ làm thế là hợp lý vì lúc đó chứng trường đang đón nhận làn sóng FII, phân ngành VN thì e tụi khoai tây k hiểu nổi. Tuy nhiên, các Sở k thể theo chuẩn nước khác được mà phải theo chuẩn khoai lang, ver. 2007. Nếu bạn coi danh sách 2 Sở, bạn sẽ thấy cả 2 đều dùng chung 1 bộ đó mà ra.

Theo ý tui, nếu theo chuẩn VN thì nên phân và công bố danh sách cty NY đến nhóm ngành cấp 3 (tối đa có 4 cấp) mới cho kết quả đẹp. Ví dụ như nhóm cấp 1: Sản xuất – chế biến – chế tạo, có khoảng 20 nhóm ngành cấp 2. Nhìn thế tưởng là chi tiết ư? Chưa đâu. Giả sử bạn dùng nhóm SX chế biến thực phẩm đi, bạn vẫn có thể phân tiếp đến cấp 3 là thịt, thủy sản, rau quả, sữa, đường… Nếu k công bố đến cấp 3, bạn sẽ gặp trường hợp HOSE xếp VNM (sữa) cùng nhóm ngành với VTF (thức ăn chăn nuôi). Sữa xếp chung với thức ăn chăn nuôi, vậy chúng ta là con gì?HOSE phân đến cấp 3 nhưng mới công bố cấp 2 đã tạo ra lắm chuyện cười như thế, HNX phân đến cấp 3 nhưng mới chỉ công bố kết quả cấp 1, bảo sao không gây ra… đời cười?

Ngoài ra, bảng phân ngành VN k có 1 nhóm mà dân chứng thường nói đến: đa ngành – tập đoàn. Hồi đó cty tui làm phân ngành, đã “sáng tạo” thêm nhóm ngành này. Đơn giản vì có những cty NY chơi đủ món nhưng chả có món nào doanh số quá 50%, thậm chí có những cty tuy đọc tên lên thì người ta nghĩ ngay đến 1 nhóm ngành, nhưng soi vào kết quả KD thì ngành khác mới mang doanh số áp đảo, ví dụ như FPT. Hồi đó nếu bạn bảo FPT là cty phân phối điện thoại thì e làm mất uy tín của họ, phải nói họ là cty tin học hàng đầu VN. Những cty khác cũng được coi đa ngành là HAG, HPG, VCG, QCG… Trường hợp như MSN, tui nghĩ cũng phải ghi đa ngành mới phải.

Vậy tại sao bảng phân ngành VN k có mục đa ngành? Tui nhớ trước đây chị Hà Cục Thống kê đã từng nói rằng bản phân ngành chỉ nhắm vào hàng hóa và dịch vụ, chứ k nhắm vào cty. Các em muốn phân ngành theo cty cũng được, nhưng sẽ phải điều chỉnh tư duy tí xíu.

Phân ngành k khó, nhưng nên để những người có chuyên môn làm. Tui nghĩ các Sở cần gì phải tự ra tay, “thuê” béng các bác Thống kê phân giùm là xong. Vừa chuẩn vừa thống nhất. Ngoài ra, vì chứng trường mình đang muốn hội nhập quốc tế, nhất là có thể sẽ sớm tham gia liên minh các hợp tác xã, ah quên, liên minh các Sở ASEAN, do đó việc phân ngành cần chú ý đến yếu tố thị hiếu khoai ASEAN. Cho đến lúc này, tui dám chắc giữa kết quả phân ngành của HNX, mà nghe nói đã tham khảo bảng phân ngành ISIC ver.4 (tức là xịn hơn bảng của HOSE) với bảng phân ngành mà các cty CK xài theo ICB vẫn khác nhau nhiều lắm. Có lẽ cũng nên đổi mới tư duy chút nhỉ?