Lưu trữ theo thẻ: bán khống kiểu Việt

(chém) T+2 k phải cái chúng ta cần!

Nhân vụ đọc bài viết có cái tựa hấp dẫn trên ĐTCK “Mỹ chưa rút ngắn thanh toán về T+2, Việt Nam làm được không?(1 bài viết hay), nhưng tui nghĩ nó có lẽ sẽ còn tiếp tục gây ra ngộ nhận trong giới ĐT nhỏ lẻ, rằng “làm T+2 khó thế thì biết đến bao giờ mới về được T0 đây?”.

Thực ra, chuyện T+2, T+3 chỉ là chuyện của các nhà chuyên môn, của các bác quản lý ngành chứng, nhất là các bác liên quan đến thanh toán bù trừ (TTBT) như VSD. Tất nhiên, các tổ chức lớn cũng quan tâm vì những lý do ĐTCK đã nêu, nhưng ở xứ VN này, đó k đáng là chuyện NĐT nhỏ lẻ, vốn chiếm đến 80-90% lượng cổ GD mỗi ngày, phải suy nghĩ. Bởi vì ngay cả ở bên Mỹ hay đa số các chứng trường khoai tây khác, NĐT cả lớn cả nhỏ, cả chẵn cả lẻ mua xong có thể bán ngay và ngược lại, cho dù cơ chế TTBT vẫn là T+2, T+3… Họ làm được việc này, đơn giản là nhờ cơ chế bán khống.

Do đó, T+2 k phải là cái chúng ta cần, mà là bán khống kia. Hiện các bác quản lý đang xin ý kiến cho dự thảo GD trong ngày, trong đó có bán khống kiểu Việt, đó là tín hiệu đáng mừng. Nhưng liệu bao giờ chúng ta mới “chạm” được vụ bán khống thật sự kia nhỉ?

(chém) Đừng bắt tớ chém gió về bán khống nữa!!!

Báo ĐTCK sáng nay trích dẫn quan điểm của 1 bác quan (0 ghi tên) UBCKNN:

“Thừa nhận ở góc độ thị trường có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo lãnh đạo UBCK, câu trả lời nhất quán của cơ quan quản lý chỉ có một: khi CTCK, nhân viên CTCK đứng ra làm trung gian cho các tổ chức, cá nhân vay, mượn chứng khoán của nhau để bán dưới mọi hình thức, kể cả trong trường hợp không dẫn tới việc thay đổi quyền sở hữu và giao dịch bán thực hiện trên tài khoản của bên cho vay, thì đều bị coi là hoạt động bán khống”.

và:

“Trong bối cảnh TTCK khó khăn như hiện tại, hoạt động bán khống càng tác động tiêu cực đến thị trường. Bởi vậy cơ quan quản lý không chấp nhận bất kỳ lý lẽ nào để biện minh cho hoạt động bán khống diễn ra dưới bất cứ hình thức nào”.

Như vậy đã rất rõ, tui sẽ không chém gió về chủ đề này nữa, vì e các bác ấy lại bảo nói rát thế! Có bạn nào muốn hỏi gì thì xin liên lạc trực tiếp 🙂

Ah, cho chém mấy câu cuối:

– Lần đầu tiên tui được biết rằng bán khống là “hoạt động rút ruột thị trường”, câu này của 1 bác quan cty CK. Ngạc nhiên chưa!

– Bác lãnh đạo UBCK có nói nếu NĐT phát hiện GD bất thường trên TK của mình thì cần báo sớm cho UBCK để được bảo vệ quyền lợi. Vậy liệu anh Nhân có lấy lại được tiền không nhỉ? Nếu lấy được thì sẽ có 1 “làn sóng” đòi lại tiền vì lỡ đầu cơ thua do bán khống?

Nghề mình mà 322 – Bán khống “kiểu Việt” áh, khó cấm lắm

Update ngày 11/10……………………………………………………………………………………………

Vậy là các bác UBCK cũng chỉ đích danh nhân viên của HSC, cty CK hàng đầu VN, cho vay bán khống kiểu Việt. Hoan hô các bác, nói đi đôi với làm, thế mới nghiêm.

Update ngày 12/9……………………………………………………………………………………………

Tự dưng có người bạn gửi cho cái link, theo đó các bác quản lý vốn đã cảnh báo bán khống trước cả năm rùi, mà nhiều bác k nghe, hihi.

(hình chộp từ link Vietstock)

(Hình chộp từ link SSC)

Update ngày 11/9……………………………………………………………………………………………

Đã có tin cty CK Đại Nam (tui chả biết cty này) bị phạt vì cho vay bán khống. Vậy là đã có án điểm, nhưng mà hình như điểm bé quá. Bán khống kiểu Việt đã xảy ra ở những cty CK lớn hơn nhiều, để xem các bác quản lý “phá án” thế nào.

Update ngày 10/9……………………………………………………………………………………………

Các bác quản lý cuối cùng cũng bày tỏ quan điểm về bán khống kiểu Việt: KHÔNG ĐƯỢC. Giờ không còn là lúc cãi nhau xem việc “không được cho vay chứng khoán có vi phạm cái gì không” hay tám loạn giống tui nữa mà phải nghe thui. Có người bạn làm bên ngành nhanh nhạy với thông tin nói rằng sẽ có án điểm về loại này, tui cũng rất tò mò xem các bác sẽ xử thế nào cho NĐT tâm phục khẩu phục đây.

………………………………………………………………………………………………………………….

Liên tục mấy ngày gần đây, khi tui chat chuyện chứng với bạn bè, tui thường xuyên được hỏi rằng: chỗ chú/bác/mày/cậu/anh/em có cho “bán khống” không? Đừng nói là họ hỏi móc, đó là nhu cầu có thật. Ở đây chúng ta phải hiểu là bán khống kiểu Việt, tức là mượn hàng người khác mà bán rồi mua trả sau. Không có hàng trên tài khoản mà viết lệnh bán, đảm bảo chưa hết 24g là TTLK vứt trát phạt ngay.

Sáng nay đọc TBKTSG có 2 bài viết về ngành chứng của bác Bá Tình và chị Hải Lý, nghe rất hợp lý (tui sẽ update đường link sau). Người ta có nhu cầu mua, ắt cũng có nhu cầu bán. Khi không có tiền mua, ắt có nhu cầu làm margin (đã cho làm). Không có hàng bán, ắt tìm người có để mượn bán. Đã hơn 12 năm nay, các bác quản lý chả giải quyết dứt điểm được chuyện bán khống kiểu Việt, bởi xem lại quy định đi, có điều nào cấm chuyện NĐT mượn hàng của nhau đem bán không?

Bán khống, đúng hơn là bán khống kiểu Việt đang là cớ mà nhiều bác đổ lỗi cho việc rớt giá thảm trong tuần cuối tháng 8 qua, nhưng cá nhân tui nghĩ nó cũng chỉ là hệ quả chứ không phải nguyên nhân. NĐT bán chứng sau khi nghe tin bắt mấy bác tai to ngân hàng là hành động hợp lý chứ không phải là hành vi bầy đàn nguyên thủy hay dân trí kém gì mà có báo dám “chửi” NĐT, thì chuyện nhiều người nhanh nhạy mượn hàng người khác để bán cũng là hành động hợp lý thôi. Tui thấy nhiều vị cứ thích cãi nhau xem bán khống làm giảm giá hay giảm giá dẫn tới bán khống, cứ y như chuyện con gà và quả trứng vậy. Riêng tui, tui cho rằng chả cái nào dẫn đến cái nào, mà đều là hệ quả của tin. Có tin xấu ra là sẽ có hành vi bán chứng, là sẽ có giảm giá (tin xấu mà tăng mới là chuyện lạ) và sẽ có bán khống kiểu Việt. Cho nên đối với những sự kiện như thế, thay vì cãi nhau về nguyên nhân thì nên có phản ứng đối với hậu quả của nó, đó mới là điều NĐT mong chờ.

Cũng có bài viết nào đó (bạn tự tìm link nhé, có đó) nói rằng không loại trừ hành vi gây xung đột lợi ích của cty CK, tức là nhân cơ hội có tin xấu mà vừa khuyên KH bán, vừa xả tự doanh, nhưng sau đó lợi dụng khả năng nắm được hệ thống GD mà nhanh tay đặt mua lại 1 -2 ngày trước khi lại tư vấn NĐT mua vào. Đó rõ ràng là hành vi đáng lên án, nhưng chả liên quan gì đến bán khống.

Cách đây không lâu, khi HNX tổ chức hội thảo giới thiệu HN-30, đã có 1 bác quan nói là sẽ gắn vấn đề bán khống với vấn đề quỹ mở và ETF theo hướng cho làm, bởi đơn giản bán khống là 1 hành vi GD cần thiết đối với loại hình quỹ 2 trong 1 này (sao tự dưng hâm mộ bác này wá). Ở chứng trường xứ ta, đối với các quỹ đầu tư nhiều khi mua còn dễ hơn bán. Với những loại quỹ đánh đấm liên tục mà muốn họ chơi ở các sàn có thanh khoản yếu và rủi ro hệ thống cao, không cho bán khống thì khó mà điều chỉnh danh mục cho sát với chỉ số cũng như đáp ứng được nhu cầu rút vốn của NĐT lắm.

Sau nhiều chuyện dồn lại, tui nghĩ các bác quản lý thay vì cấm bán khống, cho dù là bán khống kiểu Việt thì nên mở thôi. Cấm khó lắm. Đối với những sự kiện có sức khiến hơn 50% cổ phiếu rớt sàn, index gần sàn thì cứ học nước ngoài, ra lệnh ngưng hành vi bán khống lại ít bữa. Thị trường vậy sẽ fair hơn, NĐT sẽ có niềm tin hơn bây giờ nhiều.

(chém) Thế nào là bán khống?

Đây có lẽ là câu hỏi gây phản cảm, nếu người hỏi là … NĐT chứng. Ai chơi chứng mà chả biết thế nào là bán khống? Tuy nhiên 1 cậu bạn thân tui, cũng là thằng chơi chứng lâu năm lại hỏi chính câu đó (bảo sao tui thường xuyên phải e dè với bạn bè, hè hè). Nó bảo ở vào thời điểm vô cùng nhạy cảm như thế này phải cẩn thận, nhất là khi 1 bác quan tuyên bố đang có hiện tượng bán khống.

Theo tui biết, NĐT trên sàn đã phản ứng với tin bầu Kiên theo 2 cách: 1 bán ngay, rút xxx ra ngoài sàn cho nó nhàn, đỡ nhức đầu và đỏ con mắt; 2 là makeno, đi chơi đâu đó, giá cp rồi cũng hồi lại thôi. Nhưng với cách thứ 2, cũng có kẻ đến đặt vấn đề: cổ anh để không đó thì phí, cho tui mượn bán mấy hôm rồi mua trả lại. Kiểu như tui bỏ ít xiền vào tài khoản anh để ký quỹ, nếu 1 tuần sau khi tui bán mà chưa mua, anh có thể mua lại và lấy luôn cục xiền của tui.

Theo bạn, cách đó có phải là bán khống hay không? Có lẽ bạn sẽ nói là:

Nhưng tui vẫn cứ muốn hỏi, mà quên, nên hỏi chính bác quan: cách đó có phải là bán khống hay không? Chứ bạn đâu phải quan.

Nghề mình mà 262 – Không nên cấm bán khống kiểu Việt

Tìm và bắt các vụ bán khống bằng cách “người của cơ quan quản lý sẽ vào vai NĐT B tại các CTCK đang trong tầm ngắm” như báo ĐTCK viết sáng qua có lẽ chỉ là biện pháp tình thế hơn là 1 liệu pháp trị “bệnh” tận gốc. Cách thức giả bên B gài bẫy bên A nghe giống vụ 2 ngân hàng tố nhau lãi suất vượt trần quá, nhưng theo tui ở đây chỉ giải quyết lẻ tẻ vài vụ bất đồng, chứ một khi cả hai bên đều đồng thuận thì rất khó. Không dẹp được tình trạng này. Ngoài ra cũng có vài giải pháp khác như cấm cty CK tự doanh chữ C, cấm cổ đông lớn đăng ký cùng mua cùng bán (bây giờ trò này diễn ra rất nhiều), nếu phát hiện là trảm nặng. Bản thân 2 hành vi trên là vi phạm các nguyên tắc và quy định GD rồi, giờ chỉ làm nghiêm mà thôi. Tuy nhiên, cấm đến mấy tui e là cũng 0 dẹp hẳn được.

Lý do quá đơn giản: hơn 10 năm trước, khi mở HOSTC, hẳn các bác quản lý cũng biết là sẽ phải chấp nhận tính chất sòng bài luôn tồn tại ở NĐT. Không ai có thể cấm NĐT  hôm trước mua hôm sau đã bán chỉ vì lời ngay 5%, đó chính là đầu cơ. NĐT một khi đã có nhu cầu đầu cơ giá lên và đang được thực hiện 1 cách hợp pháp (miễn là không thao túng giá), họ cũng sẽ đòi hỏi nhu cầu được đầu cơ giá xuống. Nếu mua rồi bán là 1 hướng đầu cơ, thì bán xong mua lại cũng chỉ đơn giản là cách đánh ngược. Nếu các bác làm 1 cái thăm dò ý kiến trên website của mình để xem NĐT có ủng hộ bán khống như thông lệ thế giới hay không, tui nghĩ là đại đa số ủng hộ. Chỉ có điều hướng này lại đang bị cấm, khỏi thăm dò chi cho mệt.

Báo ĐTCK nói rất đúng về cái gọi là bán khống ở xứ mình, nói nôm là bán khống kiểu Việt. Nếu không có hàng mà đặt bán, chỉ đến chiều là bạn bị TTLK và Sở GD “nhắc nhở” ngay. Bán khống kiểu Việt là mượn hàng trên TK người khác mà bán. Tui nghĩ, trừ phi không xin phép mượn mà vẫn bán thì có thể coi là tội ăn cắp, về cơ bản không thể cấm tình trạng mượn hàng của nhau (giữa các NĐT) để bán. Cty CK được phép tự doanh, do đó cũng là 1 NĐT và cũng được cho người khác mượn hàng để bán. Giả sử các bác quản lý tóm được 2 NĐT đang mượn hàng của nhau, nếu lôi ra xử thì căn cứ vào điều Luật nào để phạt người ta (gặp phải NĐT lại là thằng luật sư, có khi các bác còn bị kiện ngược chưa biết chừng)? Cho nên tui nghĩ NĐT họ cũng không quá sợ hãi để mà phải dấu dấu giếm giếm, và các bác quản lý cũng sẽ lúng túng khi nghĩ cách xử (bắt tận tay mà không xử được thì kỳ lắm). Tự dưng mọi chuyện lại thêm rối tung, chả ích gì!

Nói chung, tui nghĩ thay vì cấm tiệt, nên chấp nhận rằng bán khống kiểu Việt là 1 hành vi GD bình thường, rồi từ đó mà  đưa ra giải pháp để quản lý và chế tài cho tốt. Minh bạch và công bằng là điều mà thị trường cần, nhất là các cty CK thành viên cần. Thành viên chỉ ấm ức và bất bình khi muốn làm qua hợp đồng đàng hoàng thì không được, trong khi nơi khác làm chui thì 0 sao.

Nghề mình mà 251 – Xử thế nào với bán khống kiểu Việt?

Bạn Nguyễn Hoàng có 1 bài viết khá hay trên VNeconomy.vn về chủ đề ở xứ mình liệu thực sự có hành vi bán khống. Với bài viết này, e là các bác nào đó đang có quan điểm cấm bán khống dưới mọi hình thức cũng cần phải xem lại phương pháp lý luận của mình, bởi hành vi “nhờ bán trên tài khoản người khác” có thể được lập luận là 1 hình thức cho mượn chứng khoán, mà tui chưa thấy quy định nào ghi NĐT không được đi mượn hay cho người khác mượn chứng để bán cả (chứng khoán cũng là 1 dạng tài sản ngang tiền, vàng… thì sao lại không cho vay mượn?). Tuy nhiên, dù có là gì thì đứng ở góc độ rủi ro, các hình thức nhờ bán, mượn bán, tư vấn bán… (tạm gọi là bán khống kiểu Việt) cũng đều có những vấn đề có thể gây ra những tác động tiêu cực lên chứng trường, điều mà bạn Nguyễn Hoàng hình như chưa nói đủ (ngoại trừ rủi ro có người xài chứng của người khác mà không xin phép). Tui xin nêu vài ví dụ:

Thứ nhất, xét ở góc độ pháp lý, cho dù là mượn bán trên tài khoản người khác để kiếm chênh lệch giá, hay tư vấn cho người khác bán để hưởng phí thì về nguyên tắc các bên đều phải lập hợp đồng giao dịch. Tui không dám chắc mọi trường hợp bán khống kiểu Việt đều được lập hợp đồng 3 bên: bên có chứng, bên có tiền ký quỹ (để mượn chứng) và cty CK (bên giám sát, nếu là GD giữa NĐT với cty CK thì chỉ còn 2 bên), do đó sẽ có rủi ro pháp lý, tức là khi lỡ xảy ra tranh chấp thì xử thế nào đây.

Thứ hai, xét ở góc độ cung cấp dịch vụ của cty CK. Đã có người lý luận rằng nếu NĐT được phép cho nhau mượn chứng, thì cty CK cũng hoàn toàn có thể mở kho chứng tự doanh của mình cho NĐT mượn, tuy nhiên khi đó phải coi là 1 dịch vụ của cty CK. Đã là dịch vụ thì phải tuyên bố công khai, phải có báo cáo. Dịch vụ của cty CK cũng là vũ khí cạnh tranh, anh công khai anh không thì khác gì chuyện hai đối thủ đấm bốc có 1 người giấu kim trong găng.

Ngoài ra, ngay cả khi cty CK chỉ làm kẻ giám sát trong việc thực thi hợp đồng bán khống kiểu Việt của 2 khách hàng của mình, thì cũng phải coi đó là dịch vụ nếu cty CK được nhận phí giám sát. Và quan trọng là trong mọi trường hợp phải có báo cáo. Trường hợp margin trước nay có thể coi là một bài học nóng hôi hổi về tình trạng thiếu báo cáo. Không công bố, không báo cáo đầy đủ, khi chứng trường suy giảm thì cty CK không trích lập dự phòng (nếu có khoản margin rơi về trạng thái âm), không thu được nợ, cổ đông nhỏ lẻ của chính cty CK không biết nguy cơ mà các lãnh đạo đã tạo ra (ví dụ như cty nào đó ngoài Hà thành), và ngay cả UBCK cũng không định lượng được các số hàng kẹt to cỡ nào, có thể gây tác động thế nào lên chứng trường để mà tìm hướng giải quyết.

Thứ ba, xét ở rủi ro thao túng giá thì hành vi bán khống cũng có thể gây ra tình trạng này. Ví dụ, bên mượn chứng sẽ đặt bán với số lượng khủng so với mức GD bình thường (ví dụ như bán trên các mã hiếm) liên tục trong nhiều phiên để đè giá.  Chơi kiểu này chắc chắn là rất dễ bị UBCK xử, tuy nhiên sẽ có trường hợp tinh vi hơn là 1 nhóm NĐT bán khống cùng lúc, mỗi NĐT có thể đặt bán ít hơn lượng GD hàng ngày, nhưng cộng lượng bán thành số tổng thì nó trở thành yếu tố đè giá. Chứng trường đã từng thấy UBCK phạt một số nhóm NĐT cùng nhau thao túng cp theo hướng đẩy giá lên, thì rồi có lẽ sẽ thấy nhóm NĐT thao túng đè giá xuống.

Thứ tư, xét ở góc độ bình ổn thị trường, trong một số tình huống nhất định, bán khống kiểu Việt cũng có thể gây ra tình trạng hoảng loạn hệt như bán khống xịn ở trời Tây. Để yên cho cty CK và NĐT làm mà không bắt họ báo cáo, không định lượng được cái rủi ro hệ thống thì làm sao UBCK biết thời điểm nào đưa ra lệnh ngưng bán khống để ổn định thị trường?

Thứ năm, bao trùm cả 4 mục trên là rủi ro minh bạch. Về nguyên tắc, mọi thỏa thuận GD đều phải công khai, nhưng nếu không có biện pháp quản lý thì làm sao buộc người ta công khai, làm sao biết mức độ công khai đến đâu.

Do đó, tui cho rằng tình trạng bán khống kiểu Việt là hành vi tuy không cấm nhưng cần được quản lý và chế tài. Cách quản lý hiệu quả nhất là buộc mọi GD phải được lập hợp đồng tại cty CK và cty CK có trách nhiệm báo cáo hàng kỳ về UBCK, giống như việc báo cáo thông tin cầm cố.