Nghề mình mà 269 – Khi nào cty CK thiếu tiền TTBT?

Tui vốn không viết blog liên quan đến vụ thiếu tiền thanh toán bù trừ (TTBT) của cty CK SME, nhưng sau 1 số bài báo mà tui cho rằng có thể phóng viên vẫn chưa hiểu đúng bản chất sự việc, nên ở đây tui muốn đưa ra quan điểm của mình về vấn đề được ghi trên cái tựa, mong rằng giúp cho bạn bè có cái nhìn rõ ràng và khách quan hơn. Tất nhiên, cũng do tui không có nhiều kinh nghiệm về mảng nghiệp vụ đăng ký, lưu ký và TTBT bằng các anh chị bên VSD, nên tui cũng hy vọng rằng sẽ có ai đó ở VSD viết blog cùng về vấn đề này để giải đáp rõ nhất.

TTBT ở chứng trường nhà mình là thanh toán đa phương, theo đó các cty CK và 1 số ngân hàng lưu ký là thành viên của VSD tại thời điểm TTBT sẽ tính toán ra số tiền và CK ròng mà họ phải giao hoặc nhận. Bạn có thể tham khảo ở chính website VSD hoặc ở blog ông bác tui để biết rõ hơn. Trường hợp SME, theo báo cái chính thức thì là thiếu tiền, không phải thiếu chứng. Số tiền cũng không lớn, chỉ 1 tỷ rưỡi, nên ngay hôm báo chí đăng Quỹ hỗ trợ thanh toán (HTTT) không “nộp hộ” 1,5 tỷ cho SME, tui rất ngạc nhiên với cách hành xử của quỹ này (xin để nói vào lúc khác). Nhưng nói chung, cho đến nay theo tui biết thì mô hình mà VSD đang xài không loại bỏ được rủi ro TTBT, cho dù mọi thành viên VSD có “sạch sẽ” đi chăng nữa. Nói cách khác, thành viên có là SSI hay SME thì vẫn có rủi ro TTBT, chỉ khác nhau ở mức độ mà thôi.

Vậy khi nào cty CK thiếu tiền TTBT? Xin kể ra vài ví dụ tui biết, tất nhiên không kể mấy cái chuyện ai đó làm bậy (kiểu như xài giùm tiền, tạo hợp đồng ảo, giả mạo chữ ký khách…) ở đây:

– Lệnh lỗi, ví dụ như bán thành mua… Lỗi này hay xuất hiện ở cái thời còn đại diện sàn, chưa 99,99% giao dịch trực tuyến như bây giờ. Nếu không kịp xin VSD cho hủy thì gay.

– Tự doanh. Có bao giờ bạn thấy tự dưng bên mua 1 mã CK nào đó xuất hiện dư mua trần cả mấy triệu cổ không? Chắc là thấy thường, nhưng chắc bạn không biết là rất nhiều lệnh ở mức giá đó đến từ tự doanh. Họ đặt mua mà không mua, tức là đặt thêm để hù dọa bên bán, chứ không mong khớp. Nhưng nếu nhỡ cuối giờ bên bán phản công, khớp sạch thì… gay.

– Mua chậm tiền. Cho đến lúc này, vẫn còn cty CK cho khách hàng đặt mua vào ngày T nhưng nộp tiền chậm nhất vào T+2 (có khi qua cả T+3…). Ngay cả ở nhiều cty CK lớn, khách hàng là tổ chức thường xuyên được chậm tiền do họ lấy tiền làm ăn để ĐTTC, tiền phải thường xuyên để ở ngân hàng chứ là sao để ở cty CK được. Nếu đến chiều T+2 khách hàng vẫn thiếu thì cty CK đành ứng tiền mình ra cho hoạt động TTBT vào sáng T+3. Nếu có nhiều khách hàng không nộp tiền vào T+2 thì… gay. Rủi ro này xảy ra tại mọi cty CK, cả tốt lẫn xấu.

– Ứng tiền bán ngày T. Nhiều khách hàng bán xong đòi ứng ngay, và không phải cty CK nào cũng mang HĐ ứng tiền này qua ngân hàng để lấy tiền về cho khách. Nói cách khác, có cty CK sẽ lấy tiền mình ra ứng, như thế ăn nguyên cục lãi 0,06-0,07%/ngày (nhân với 3 hoặc 5 ngày). Nếu tự dưng có nhiều khách hàng cùng ứng, mà lại ứng trưc tuyến thì cũng… gay, nhưng nói chung rủi ro này là khá nhỏ và cty CK có đủ thời gian để xử lý. Chỉ sợ khi nhiều rủi ro đến cùng lúc.

– Margin, nhất là margin online. Rủi ro cũng xuất phát từ lượng khách hàng làm margin tăng đột biến vào 1 ngày đẹp trời nào đó, mà nếu hệ thống phần mềm của cty CK không chặn được hạn mức tổng cho cả cty/1 ngày thì … gay nốt. Các cty lớn hay thuộc ngân hàng… thì không sợ vụ này lắm, vì đằng sau họ có (nhiều) bệ đỡ. Chỉ lo cho cty nhỏ, tự thân vận động.

– Cầm cố. Tuy đây là dịch vụ của ngân hàng, nhưng do ngân hàng không trưc tiếp nắm tài sản cầm cố của khách cũng như không trực tiếp đặt bán, nên phải nhờ đến bên thứ ba là cty CK nơi khách đang để chứng ở đó. Mà có nhờ không cũng chưa yên tâm, có ngân hàng còn chơi chắc là giao kèo với cty CK (qua 1 hợp đồng khung) là cty CK phải mở 1 tài khoản tiền gửi tại ngân hàng đó với 1 mức tối thiểu xxx tỷ, khi khách hàng không thanh tóan đúng hẹn, hoặc khi cty CK bán chứng không kịp với yêu cầu của ngân hàng thì ngân hàng cứ trừ béng bớt tiền trên tài khoản đó. Coi như chuyển rủi ro qua cty CK. Cái này cũng gay, vì hầu như chả cty CK nào báo cáo vụ này trên BCTC (có cty theo tui nhớ thì còn không công bố nốt số ck cầm cố ở phần ngoại bảng ở Quý 1-2 vừa rồi), nên chả biết là rủi ro nó đến vào lúc nào và ước lượng số tiền hụt sẽ là bao nhiêu.

Cho đến nay, đọc qua báo chí thì tui thấy đa phần ý kiến đang cho rằng chuyện thiếu tiền TTBT của SME có thể còn tiếp diễn ở những cty yếu kém khác, thậm chí còn nói những cty vốn nhỏ hay đang có tỷ lệ an toàn tài chính thấp là yếu kém, cty có cục phải thu phải trả lớn là yếu kém… Có ai đó còn “nhìn thấy” mối liên quan giữa chuyện này với việc tách bạch tiền khách về ngân hàng… Nhưng như đã dẫn ở trên, đâu phải cty yếu kém mới xuất hiện rủi ro thiếu tiền TTBT. Nợ phải trả có thể nhiều, nhưng đâu có mấy cty CK dám liều đến mức bán chứng của khách để trả cho cục nợ của chính mình. Tách bạch tiền của khách về ngân hàng, nhưng nếu mấy hôm đó giữa ngân hàng và cty CK đứt kết nối, lỗi hệ thống thì có phải tạo ra thiếu hụt TTBT không?

Nếu nhìn từ góc độ thống kê, thì thường cty yếu kém sẽ dễ tạo rủi ro TTBT, cty nào hay bị đồn làm bậy cũng sẽ tạo rủi ro TTBT, nhưng không thể nói ngược lại rằng cty có rủi ro TTBT là cty yếu kém, cũng không thể nói rằng rủi ro TTBT chỉ xảy ra ở những cty hay làm bậy.

Cho đến nay theo tui đọc đâu đó thì các bác bên VSD đang có nghiên cứu về khả năng thay đổi hệ thống TTBT hiện nay sang 1 hệ thống mới, hiện đại hơn, kiểu như lập 1 cty làm đối tác cho tất cả các thành viên: ai bán tui mua, ai mua tui bán. Rủi ro TTBT đa phương sẽ tụ về mỗi cty đó, nhưng cty đó do nhà nước lập ra rồi thì không còn lo đổ vỡ hệ thống nữa. Nếu VSD có ai đó kể về cái dự án này cho bà con thì tốt quá.

Một suy nghĩ 8 thoughts on “Nghề mình mà 269 – Khi nào cty CK thiếu tiền TTBT?”

  1. Chào Lân !
    Đọc bài biết rủi ro TTBT (thanh toán bù trừ) của Lân mình thấy rõ hơn nhiều khía cạnh rủi ro của vấn đề này.
    Tuy nhiên, vụ việc của SME cốt lõi của vấn đề có thể là VSD “dằn mặt” SME thôi, do “mắc nợ mà đòi nhiều lần mà chậm trả, lại còn mắc tiếp… ?” còn thực tế nếu có lỗi TTBT thì là lỗi do VSD không đủ quỹ… để thanh toán.

    Phần cuối Lân có nói đến một công ty mà nơi đó “ai bán tui mua, ai mua tui bán” để giải quyết TTBT thì hiện tại đó chính là VSD rồi còn gì nữa ? VSD có quỹ hỗ trợ TTBT mà ? các thành viên thị trường phải đóng góp quỹ hoặc phải trả lãi khi chậm TTBT (vay quỹ) ? v.v… VSD cũng là cty nhà nước quản lý.

    Theo mình hiểu thì như vậy không biết có đúng không ? Mong Lân góp ý .

    VNbufet

    1. Hi bạn VNbufet. Cám ơn bạn đã ghé qua blog tui.
      Chuyện khúc mắc giữa VSD với SME thế nào, chắc chỉ có người ở trỏng mới rõ được. Còn quan điểm của riêng tui là với chỉ có 1,5 tỷ đồng mà từ chối TTBT cho SME thì 0 fair tí nào. Cơ quan nhà nước mà 0 fair thì còn ai fair??? Ở đây chuyện bù 1,5 tỷ là để hỗ trợ NĐT, cả bên mua lẫn bán có liên quan, cứ 0 phải cứu mỗi ông SME. Nếu cty này vi phạm TTBT nhiều lần, thì cứ hỗ trợ 1,5 tỷ đó rồi báo cáo lên UBCK để trảm sau. Chứ giờ với những người bán trong cục 1,5 tỷ đó bị hủy lệnh, chịu thiệt hại cả chục % do rớt giá thì ai chịu trách nhiệm đây.

      Về cái cơ chế TTBT mới, tui cũng nghĩ chỉ là việc nâng cấp VSD thôi, tuy nhiên 0 dám tám loạn qua mặt các bác quan. Cứ phải chờ các bác ấy tuyên bố …

  2. à, anh Lân,
    Cái nghiệp vụ “Cầm cố CK” để vay, anh cho em hỏi, đối với chứng khoán niêm yết thì khi khách hàng “cầm cố” vay ngân hàng thì đều phải thực hiện thông qua trung gian là công ty chứng khoán hả anh? Vậy mà từ trước giờ em cứ tưởng khi cầm cố chứng khoán để vay thì khách hàng cứ mang chứng khoán (có giấy xác nhận gì đó) đến ngân hàng để vay chứ. Anh có thể cho em biết rõ hơn về nghiệp vụ này không? Em còn thắc mắc này, đối với nghiệp vụ này, khách hàng chỉ có thể “cầm cố” để mua chứng khoán hay có thể “cầm cố” để sử dụng cho bất cứ mục đích nào khác vậy anh?
    Cám ơn anh!

    1. Hi bạn Thư.
      Đối với nghiệp vụ cầm cố cp của cty đã NY, thì về nguyên tắc NĐT vẫn có thể chủ động cầm 1 bản xác nhận số dư tài khoản của mình lên bất kỳ ngân hàng nào để xin cầm, và nếu ngân hàng thấy OK được, họ sẽ liên hệ với cty CK để thực hiện các thủ tục liên quan. Tuy nhiên, thực tế theo tui hiểu thì ngân hàng phải có thiết lập quan hệ trước với cty CK thì họ mới nhanh chóng làm, nếu không thì sẽ rắc rối mất thời gian hơn nhiều.
      Về danh mục cp cầm cố, không phải cp nào cũng được ngân hàng cho cầm. Nhiều ngân hàng rất khắt khe, chỉ cho cầm chừng 50 cổ đổ lại thôi. Có thêm các điều kiện về giá, về khối lượng, về mức xử lý… Ngay cả khi bạn nhận được tiền rồi, ngân hàng cũng có thể bắt bạn không được rút ra để làm gì khác, mà chỉ được chơi chứng khoán. những Điều đó tùy thuộc từng ngân hàng cụ thể, không có chuẩn mực chung nào cả.

  3. Anh Lân cho em hỏi câu ngoài lề post này của anh nhe.
    Khi giao dịch thỏa thuận, thì giá mua/bán có bị ràng buộc trong biên độ +-5% (HOSE) và +-7% (HNX) không anh?.
    Ví dụ: Eximbank giá tham chiếu 14,5, giá cao nhất, thấp nhất là 15,2 và 13,7. Khi em thực hiện giao dịch thỏa thuận với 1 đối tác, em có được quyền mua với giá cao hơn 15,2 hay 13,7 không anh?
    Anh cho em hỏi thêm, hiện tại quy định giao dịch thỏa thuận là đối với các giao dịch có giá trị bao nhiêu vậy anh?
    Em cám ơn anh!

    1. Hi bạn Thư.

      GD thỏa thuận của cp và chứng chỉ quỹ vẫn bị hạn chế bởi biên độ dao động giá của từng sàn. Sàn HOSE khối lượng GD thỏa thuận tối thiểu 20.000 cp, còn sàn HNX thì thấp hơn, sorry lúc này tui cũng đãng trí chả nhớ là bao nhiêu nữa, hình như là 10.000 cổ. Hihi chắc mai phải check lại cái quy định (website các Sở đều có quy định gọi là cơ chế GD)

      1. Cám ơn anh Lân. Nhưng em có một thắc mắc, thường thì em nghĩ mua thỏa thuận sẽ có những trường hợp không mua theo giá niêm yết (+- biên độ). Có đúng là có những trường hợp như vậy không anh? Giả sử như muốn mua với giá cao hơn giá trần thì mình phải chi trả riêng hay sao anh? Hay là luật cấm hẳn trường hợp này?

      2. Hi bạn Thư.
        Theo tui biết thì có những deal thỏa thuận được thực hiện 2 giá: 1 giá chính thức trên sàn và 1 giá chung chi bên ngoài, bởi vì thỏa thuận là mua bán song phương, họ có thể thương lượng được những mức giá khác so với giá trên sàn, nhưng lại bị hạn chế bởi quy định về biên độ dao động giá trên sàn, nên họ mới phải làm 2 giá…

Bình luận về bài viết này