Nghề mình mà 256 – Mục đích chính của VN-30?

(thuộc nhóm chủ đề: VN-30)

Như tui đã có đưa lên blog bản tóm tắt slides của đại diện HOSE về chỉ số VN-30, nay tui xin tám về cái mục đích chính của chỉ số này. Cũng xin nói trước rằng đây là quan điểm cá nhân, rất mong các bạn gõ còm mân góp ý chứ đừng ném đá.

VN-30 đã được HOSE cùng với Dragon Cap. và SSI đưa ra giới thiệu chiều 07-09 với những mục đích sau đây:

Tui đoán rằng nếu đứng từ góc độ 1 NĐT cá nhân, khi đọc slide trên sẽ chủ yếu hình dung được mục tiêu số 2: khắc phục những hạn chế của VNindex. Những mục tiêu còn lại nghe hơi chung chung, có vẻ không thiết thực cho lắm (tui sẽ nói rõ những lợi ích của nó ở phía dưới).

Việc khắc phục hạn chế của VNindex hiện nay (và cũng là HNX index và Upcom index luôn) chắc ai cũng rõ là sự “bóp méo”, “lũng đoạn” của vài cp (bộ tứ tiền vệ BVH, VIC, VNM và MSN chẳng hạn) mà có tỷ trọng áp đảo về giá trị vốn hóa, viết tắt là GTVH (tính trên số lượng NY) so với “phần còn lại của thế giới”. VN-30 được cho là xóa bỏ được sự bóp này nhờ việc điều chỉnh lại cái GTVH theo các tỷ lệ về lượng cp trôi nổi tự do trên tổng lượng lưu hành (free float), và hạ tỷ trọng của từng mã trong cả rổ chỉ số xuống 1 giới hạn vừa phải (capping 10%). Các trường hợp của bộ tứ nói trên sẽ được điều chỉnh giảm theo thứ tự: trước tiên lấy GTVH (thị giá nhân số lượng đang lưu hành) nhân với hệ số free float (loại trừ được những cp thuộc các cổ đông “cứng đầu”, ít GD như… nhà nước, cổ đông chiến lược, HĐQT đang bị hạn chế bán…), loại bỏ mã nào có free float rate < 5% (VNM chăng???), tiến đến quy hoạch ra 30 mã và sau đó capping tỷ trọng của các mã đó trong rổ để không có tình trạng người mập ú kẻ còm nhom.

Duới đây là 2 slides ví dụ của SSI, họ cũng tham gia hội thảo (click vào hình để phóng to):

Tuy nhiên, tui lại cho rằng đây không phải là mục đích chính, bởi vì thực sự nếu chỉ cần điều chỉnh lại cái trọng số vốn hóa và capping thì không cần phải thu gọn cả rổ hơn 300 mã cp còn 30 mã. Với khả năng có đầy đủ số liệu để tính được cái floating shares của toàn bộ cp trên sàn cũng như sự trợ giúp của máy tính, của công nghệ cao thì HOSE có thể điều chỉnh ngay cả VNindex (nếu đẻ ra VN-30 thì liệu HOSE có định điều chỉnh lại cách tính của cả VNindex hay không???). Nói cách khác, NĐT vẫn có thể giữ thói quen tham khảo VNindex đã được “chống méo” mà không cần đi tìm 1 chỉ số mới. Vậy mục đích chính của VN-30 là gì?

Hãy trở lại slide đầu tiên, bạn sẽ đọc thấy dòng chữ: tăng khả năng cung cấp dịch vụ của HOSE. Theo cách hiểu của tui, đúng hơn là phải thêm vào đuôi mấy chữ nữa: và các thành viên của HOSE. Các mục đích còn lại nói chung cũng đều liên quan đến dòng chữ này. Dịch vụ ở đây bao gồm việc cung cấp thông tin để giúp cty CK, cty quản lý quỹ… tạo lập được danh mục/quỹ mô phỏng chỉ số (ETF chẳng hạn) và sau này còn là loại hình giao dịch chỉ số (nôm na là mua bán thẳng trên chỉ số, mỗi điểm được quy ra 1 lượng tiền nhất định, ví dụ hôm nay bạn mua VN-30 ở giá 400 (điểm), mai bạn bán ở mức 420, mỗi điểm = 100k …). Ở đây tui chỉ xin nói qua về danh mục mô phỏng chỉ số.

Trên các TTCK có những loại NĐT thay vì phân tích cty NY để tìm ra vài mã hàng tốt, họ sẽ phân tích thẳng chỉ số index và tìm cách lập 1 portfolio có biến động NAV tương tự như biến động của index. Việc phân tích index sẽ có nghĩa là phân tích ktế vĩ mô và các mô hình kỹ thuật chứ không còn là soi hàng đống BCTC (không thể nào phản ánh đầy đủ hiện trạng doanh nghiệp) và làm khảo sát tại chính cty mục tiêu (due dilligence), thậm chí còn né được những rủi ro cp bị đẩy giá hay dìm hàng tại những thời điểm nhất định. Nói tương đối là đầu tư kiểu này thấy yên tâm hơn. Fair!

Ngày nay, thay vì tự lập portfolio, các cty CK, cty đầu tư CK, các cty quản lý quỹ… sẽ là người cung cấp và quản lý cái danh mục này cho khách hàng là NĐT. Ở sàn nhà VN mình, hẳn mọi người đều nghe đến cái ETF của Van Eck Global, đó là 1 danh mục lớn mô phỏng VNindex. Chú ý rằng đây là quỹ mở. Ngoài ra, cty CK lớn như SSI hay Quỹ DC (2 đơn vị đã phối hợp cùng HOSE để có được 2 buổi hội thảo ở HCMC chiều nay và Hà Nội sắp tới), họ vốn đã tự mình lập các chỉ số index-30 mà tui không nhớ tên gọi cụ thể là gì, nhưng hẳn cũng không nằm ngoài mục đích này.

Chỉ có điều, trở ngại lớn nhất khi mô phỏng VNindex là không ai tính chính xác được cái gọi là free floating shares – lượng cp trôi nổi trên chứng trường. Rủi ro bóp méo VNindex về lý thuyết có thể được hóa giải qua việc mua vào bán ra liên tục các mã trong danh mục mô phỏng đó (quỹ đóng chả mô phỏng được index nên từng có chuyên gia chứng khoán nào đó nói rằng quỹ mở là cứu cánh thanh khoản cho chứng trường VN), nhưng thực tế là ngoài HOSE (và VSD nữa) thì chả DC, SSI hay bất kỳ tổ chức nào đủ công sức thu thập và tính toán liên tục cho chính xác lượng cp trôi nổi tự do của những mã trong cái danh mục mô phỏng này và ước lượng xem có đủ lớn để đáp ứng kịp thời cho nhu cầu mua vào bán ra liên tục đó không. Đặc biệt là các ETF nước ngoài thì càng phải dè chừng cái current room (lượng ck mà NĐT ngoại còn được phép mua trên tổng hạn mức 30% ngân hàng NY và 49% cty NY khác). Nếu hết room là khỏi có mua được thêm.

Do đó, cách tốt nhất có lẽ là nhờ chính HOSE lập danh mục. VN-30 thực chất là 1 danh mục bao gồm các mã “large cap”, chiếm tỷ trọng đến 80% trên tổng GTVH, cũng tức là đại diện cho toàn bộ cp sàn HOSE. Với khả năng có đầy đủ số liệu (nhờ được hơn 300 cty NY liên tục báo cáo) để tính floating shares, rõ ràng HOSE có thể giúp DC, SSI và các quỹ ETF khác lập danh mục mô phỏng được VNindex. Các cty CK, quỹ ĐT… đều đỡ mất công mất sức mà ngay cả chính HOSE cũng được lợi (được tiếng cung cấp thêm các sub indices cho chứng trường, đi theo thông lệ của các Sở GDCK trên thế giới, vừa có thể thu tiền bán thông tin về cơ cấu danh mục VN-30 cho các thành viên có nhu cầu). Lớn hơn nữa, cả chứng trường cũng được lợi: vừa có tiếng hòa nhập với thông lệ quốc tế, vừa có thể thu hút các ETF nước ngoài khác, tức là dòng vốn FII vào VN và cũng nhờ có dòng tiền đó mà cp được mua bán nhộn nhịp, giữ được thanh khoản, NĐT không sợ kẹt hàng v.v, không lo ngân hàng siết phi SX…

Cho nên, bản thân tui cũng rất mong HOSE sớm xuất xưởng cái chỉ số này. Theo lộ trình là tới nửa đầu năm sau mới ra mắt, e hơi lâu. Ngoài ra, nếu muốn thu hút các ETF nước ngoài thì cũng theo như bác em-xi của SSI, HOSE nên sớm có VN-f30 (bao gồm 30 mã vừa hàng đầu, vừa… còn room).

Tóm tắt chỉ số VN-30 của HOSE

HOSE tổ chức buổi hội thảo về chỉ số chứng khoán mới, có tên là VN-30 bên cạnh chỉ số VN-index hiện nay (Lân: chú ý là VN-index vẫn được xài, nhưng VN-30 cũng xài song song, như là 1 dạng large cap. index). Dưới đây là bản tóm tắt tham luận của đại diện HOSE, sau buổi này tui cũng sẽ có bình loạn:

1. Lý do xây dựng VN-30:

– Kinh nghiệm quốc tế: chỉ số tổng hợp composite -> chỉ số quy mô hẹp (70% market cap) (Lân: 30 là thông lệ, tương tự như các dạng large cap indices ở nhiều nước)

– Hàng hóa cơ sở cho sản phẩm phái sinh

– Tiêu chuẩn cho các quỹ chỉ số/ quỹ ETF

– Quy mô và hiệu quả

2. Đặc điểm của VN-30:

~ 80% GTVH toàn thị trường (GTVH: giá trị vốn hóa)

~ 60% GTGD toàn thị trường

– Free float (Lân: GTVH sẽ được điều chỉnh theo hệ số free float, tức là số cp tự do GD trên tổng số cp đang lưu hành)

– Capping 10% (Lân: tỷ lệ này nhằm giữ cho tỷ trọng của mỗi mã ck trong rổ chỉ số không vượt quá 10%, tức là loại trừ rủi ro ai đó có thể bóp méo chỉ số, một trọng những lý do quan trọng khiến nhiều người không còn “tin” vào VN-index)

3. Các bước chọn mã cho VN-30: 6 tháng 1 lần vào các tháng 1 và 7 hàng năm

Bước 1 : Sàng lọc theo giá trị vốn hóa (giá trị vốn hóa hàng ngày bình quân trong 6 tháng chưa điều chỉnh free float)

-> chọn top 50 cp

Bước 2 : Sàng lọc về tỷ lệ free float (f): Nếu f <= 5% : đương nhiên loại, Nếu 5% < f <= 10% : loại nếu CP không thuộc top-10 về GTVH

Bước 3 : Sàng lọc về thanh khoản (giá trị giao dịch hàng ngày bình quân trong 6 tháng) -> Chọn top 40 cp, trong đó top 30 cp: danh mục chính thức của rổ chỉ số, 10 cp tiếp theo: danh mục cổ phiếu dự phòng.

4. Công thức tính VN-30:

VN30 Index = (tổng GTVH hiện tại (CMV) / tổng GTVH cơ sở̉ (BMV))*100

Trong đó:

– CMV = (pi×si ×fi×ci) với i là cp thành phần

– pi: Giá cổ phiếu

– si: khối lượng cổ phiếu lưu hành

– fi: tỷ lệ free-float

– ci: giới hạn tỷ trọng vốn hóa

5. Thay đổi các hệ số f, c và s:

Thay đổi f, c & s: định kì 06 tháng một lần vào cùng thời điểm xem xét định kỳ chỉ số.

f: Tỷ lệ free float sẽ được điều chỉnh ngay khi tăng hơn 5 điểm (%) so với cận trên hoặc 5 điểm (%) dưới cận dưới của dải giới hạn liền kề.

c: Điều chỉnh ngay nếu tỷ trọng vốn hóa của CP trong chỉ số liên tục vượt mức giới hạn cho phép 5 điểm (%) trong 10 phiên liên tiếp

s: Điều chỉnh nếu:

Gọi s1 là Thay đổi tích lũy về KLLH của các cp so với tổng KLLH của chỉ số

– 1% <=  s1 < 10%: điều chỉnh tại kỳ xem xét

– 10% <= s1: điều chỉnh ngay

Gọi s2 là  Thay đổi về KLLH của mỗi cổ phiếu

– s2 < 5% : điều chỉnh tại kỳ xem xét

5% <= s2 : điều chỉnh ngay